Tăng cường "dạy người" bên cạnh "dạy chữ"

Một trong những mô hình thành công của giáo dục Thủ đô trong việc dạy dỗ những học sinh cá biệt thành những công dân tự tin vào bản thân, trở thành người tử tế, chính là việc tập trung vào phát huy giá trị cá nhân của học sinh thay vì chỉ chạy theo thành tích học tập.

“Một nền giáo dục tiên tiến là nền giáo dục phải chăm lo, ưu tiên cho những học sinh gặp khó khăn”- ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, người kiên trì với mô hình giáo dục coi trọng dạy người song song với dạy chữ 30 năm qua khẳng định. Những năm đầu thành lập, nhà trường thực hiện “mô hình giáo dục đặc biệt”: tiếp nhận 60% học sinh yếu, kém về khả năng học tập văn hóa, những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vào học. Kiên trì với mục tiêu không chạy theo thành tích thi cử mà coi nhẹ việc “dạy người”, thầy trò nhà trường không thả nổi để học sinh “tự bơi”, học được chữ nào hay chữ đó, mà trước tiên là rèn cho các em phương pháp học tập tích cực, rèn tính tự chủ, sáng tạo, tự tin, đánh giá đúng năng lực bản thân (cả điểm mạnh lẫn điểm yếu) để rèn luyện, cũng như tạo dựng ước mơ cho mỗi học sinh. Từ đó, học sinh Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng dần có kết quả ngày càng đáng khích lệ. Học sinh biết tự học, tự rèn, tự phát triển năng lực phẩm chất, năng lực đạt mục tiêu cấp học. Đến nay, hơn 10 nghìn học sinh của trường đã tốt nghiệp THPT, 40% học sinh vào đại học, cao đẳng, một số em học trường nghề, rồi tự ra lập nghiệp.

Trong khi đó, một số trường có điểm đầu vào cao nhưng học sinh lại không được trang bị kỹ năng, đạo đức, lối sống phù hợp. Chia sẻ những băn khoăn này, cô Lưu Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT Việt Đức cho biết, giáo dục đạo đức chưa chạm đến trái tim học sinh - vấn đề mà Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu lên, có lẽ đã khiến không ít nhà sư phạm phải ngậm ngùi thừa nhận. Dạy người thế nào để đạt đến chiều sâu, chạm đến trái tim, từ đó thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi của học sinh THPT một cách hiệu quả thì không hề dễ. Chia sẻ kinh nghiệm của mình về giáo dục đạo đức, lối sống, cô Lưu Thị Thu Hà cho biết, nguyên tắc mà cô theo đuổi là cần thực hiện trên cơ sở tôn trọng nhân cách học sinh. Người thầy không dùng các câu mệnh lệnh, không dọa nạt, không gò ép học sinh vào các mô hình nhân cách lý tưởng một cách chủ quan, mà cần tôn trọng, nhẫn nại thuyết phục học sinh, biến điều ta muốn thành điều học sinh muốn. Hơn nữa, giáo dục đạo đức học sinh phải bắt đầu bằng việc nêu gương. Kết quả của giáo dục đạo đức học sinh phụ thuộc rất nhiều vào nhân cách của người thầy, một người thầy có sức chinh phục, có khả năng thuyết phục hơn trăm lời nói hay.

Bên cạnh đó, theo cô Hà, để thuyết phục học sinh, giáo viên cần nắm bắt xu thế, các sự kiện quan trọng của đời sống và đưa thực tiễn ấy vào các giờ học trên lớp và các hoạt động của học sinh. Đơn cử, việc lồng ghép giáo dục đạo đức vào giờ dạy, cô Hà cho biết, với đề kiểm tra nghị luận văn học về bài “Vội vàng” của Xuân Diệu yêu cầu học sinh liên hệ với lối sống gấp, sống vội của giới trẻ hiện nay, giáo viên có thể nhìn thấy khá rõ cách nhận thức, suy nghĩ của học sinh, trong đó có thể phát hiện những biểu hiện sai lệch trong cách nghĩ của học sinh, từ đó lựa chọn cách thức trao đổi, tác động điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của học sinh phù hợp với đối tượng.

Biến học sinh thành những chủ thể vững vàng về nhận thức chính là con đường giáo dục đạo đức, lối sống lâu dài. Chỉ khi vững vàng về nhận thức, học sinh mới có thể tự "miễn dịch" với mọi tác động tiêu cực của hoàn cảnh. Đây chính là mục tiêu của việc phải tăng cường “dạy người” bên cạnh “dạy chữ”.