Tâm huyết với Thăng Long - Hà Nội

Những bức tranh cổ động dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua đã góp phần truyền tải thông điệp về Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, góp phần lan tỏa tình yêu Hà Nội.

Họa sĩ Hà Thành bên tác phẩm "1.010 năm Thăng Long - Hà Nội".
Họa sĩ Hà Thành bên tác phẩm "1.010 năm Thăng Long - Hà Nội".

Có một họa sĩ trẻ đã đoạt cả ba giải nhất, nhì, ba ở cuộc thi sáng tác tranh cổ động do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Những sáng tác của anh đã thể hiện một tình yêu sâu đậm với Thăng Long - Hà Nội.

Ở lễ công bố và trao thưởng những tác giả đoạt giải cuộc thi Sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao công bố các hạng mục giải thưởng từ thấp đến cao. Giải thưởng cao nhất sẽ được xướng tên cuối cùng. Khi người dẫn chương trình đọc tên họa sĩ Hà Thành đoạt Giải nhì, khán phòng đã có nhiều tiếng xì xào. Họa sĩ Hà Thành vừa mới đoạt Giải ba. Nhiều người nghĩ Ban Tổ chức nhầm lẫn. Nhưng ngạc nhiên hơn, đến lúc công bố Giải nhất, lại vẫn là... Hà Thành. Mọi người lại rộ lên. Nhưng Ban Tổ chức không sai. Ngạc nhiên hơn, bước lên sân khấu nhận giải là một chàng trai trẻ, sinh năm 1985.

Hà Thành sinh ra ở Nam Ðịnh. Ngay từ những ngày đầu học tập tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội, anh đã say mê tìm hiểu văn hóa truyền thống của mảnh đất hơn nghìn năm tuổi. Anh dành thời gian đọc sách, tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật... Lĩnh vực nào cũng mới lạ, như một thế giới mở ra. Từ sách vở, Hà Thành đến với thực tế, anh đi thăm thú, chiêm nghiệm những di sản của Thủ đô. Tên đầy đủ của Hà Thành là Nguyễn Duy Thành. Nhưng chính tình yêu với Hà Nội khiến cái bút danh Hà Thành ra đời khi anh về làm việc tại Báo điện tử VTC news, thuộc Ðài Truyền hình kỹ thuật số VTC.

Khi biết thông tin cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành đã nghĩ, đây là cơ hội để mình thể hiện tình cảm với Thủ đô, cũng như những kiến thức mình học hỏi được. Những công trình kiến trúc nổi tiếng, những mô-típ trang trí, những họa tiết hoa văn... mang đặc trưng của đất Thăng Long nghìn năm, không chỉ Thành, mà nhiều họa sĩ, nhà thiết kế khác đều đã thuộc nằm lòng. Nhưng làm sao để tìm kiếm được những ý tưởng thể hiện một Thủ đô giàu truyền thống văn hóa, đang vững vàng hội nhập, thể hiện Hà Nội hôm nay đang tiếp nối khát vọng của cha ông trong một bối cảnh mới? Chính vì vậy, khi nhận được thông tin phát động, anh đã hào hứng tìm kiếm ý tưởng và cách thức thể hiện.

Thành ngắm nhìn lại những công trình kiến trúc của Hà Nội, những biểu tượng văn hóa của Hà Nội, những chất liệu mỹ thuật truyền thống, những câu chuyện dân gian... Mỗi hình thức nghệ thuật lại có những cái khó riêng. Với tranh cổ động, điều khó nhất là từ những chất liệu ấy, phải khai thác, truyền tải làm sao cho súc tích, cô đọng, dễ hiểu nhất để mọi người có thể cảm nhận, tiếp nhận được.

Bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, Thành đều dành cho việc tư duy sáng tác. Thế rồi, đến lúc những ý tưởng "bật" ra nhanh tưởng như... không thiết kế kịp. Chẳng hạn như bức tranh "1.010 năm Thăng Long - Hà Nội", Thành đã "xâu chuỗi" quá khứ và hiện tại một cách giản dị mà đầy cảm xúc. Anh sử dụng hình ảnh đầu rồng thời Lý, hiện vật mang tính biểu tượng của triều đại đầu tiên trên đất Thăng Long ở phía dưới. Phía trên là chú chim bồ câu tung cánh. Chỉ hai hình ảnh ấy, nhưng đã khái quát được quá khứ nghìn năm và hiện tại, thành phố được trao tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", cũng là khát vọng hòa bình, khát vọng bay lên của Thủ đô.

Làm nền cho hai đối tượng chính ấy là biểu tượng Tháp Rùa, Hoàng thành Thăng Long và một số công trình hiện đại, vừa tạo chiều sâu bố cục, vừa góp phần làm rõ hơn về một Hà Nội hiện đại, nhưng mang bề dày truyền thống. Ðây cũng là bức tranh được trao giải nhất và xuất hiện tại những không gian trang trọng nhất của Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội vừa rồi. Hay như bức "Hội tụ - kết tinh - tỏa sáng" với trung tâm là tượng vua Lý Thái Tổ trên nền vẽ chìm hoa văn rồng thời Lý cùng các công trình kiến trúc hiện đại của Thủ đô, nhằm thể hiện sức vươn của thành phố trên nền tảng truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời.

Khi nói về thời gian sáng tác, có lẽ nhiều người phải ngạc nhiên. Hà Thành cho biết: "Chỉ trong sáu ngày, tôi hoàn thành tám bức tranh để dự thi". Thời gian sáng tác ngắn, nhưng nó là kết tinh của một tình yêu và quá trình tích lũy kiến thức lâu dài. Ngoài ba tác phẩm được trao giải nhất, nhì, ba, Hà Thành còn có hai tác phẩm khác được Ban Tổ chức lựa chọn để trưng bày tại sự kiện kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội đã có hơn 100 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia. Ðiều này cho thấy sức lan tỏa của cuộc thi cũng như sự quan tâm của các họa sĩ trước sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô và đất nước là rất lớn. Theo họa sĩ Lương Xuân Ðoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi, hầu hết tác phẩm tham gia được trình bày công phu, thể hiện tài năng, tình cảm, góc nhìn sáng tạo, tâm huyết của các họa sĩ với Thủ đô Hà Nội. Với việc một tác giả trẻ như Hà Thành giành giải cao, họa sĩ Lương Xuân Ðoàn cho biết, đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy lớp kế cận tài năng, đang tích cực đóng góp tiếng nói trước những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Kinh Bắc