Sức lan tỏa của giáo dục di sản

Sau một năm triển khai chương trình hợp tác giáo dục di sản giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đã có hàng chục nghìn lượt học sinh được tham gia các hoạt động khám phá, trải nghiệm di sản. Nhưng điều quan trọng hơn, từ hoạt động này, các trường đã chú trọng hơn đến công tác giáo dục di sản. Nhiều hoạt động giáo dục di sản phong phú, sinh động đã được các trường tổ chức, góp phần giúp học sinh thêm yêu mến, gắn bó với lịch sử, văn hóa Thủ đô.

Học sinh trải nghiệm hoạt động khám phá di sản tại Hoàng thành Thăng Long.
Học sinh trải nghiệm hoạt động khám phá di sản tại Hoàng thành Thăng Long.

Sức lan tỏa bất ngờ

Không ai ngờ rằng, cuộc thi "Ðại sứ di sản UNESCO 2019" của Trường Liên cấp Ngôi sao đã thu hút đông đảo học sinh đến thế. Gần 200 em học sinh trung học cơ sở thuộc 43 đội tuyển đã trải qua nhiều vòng thi đấu. Các em học sinh chọn những di sản văn hóa tiêu biểu, vào vai những người dân địa phương để giới thiệu những di sản văn hóa đó. Sau phần thi này, các em còn tham gia phần thi hỏi đáp với nhiều câu hỏi thú vị về di sản văn hóa Việt Nam, cũng như di sản thế giới. Hiệu trưởng Trường Ngôi sao Nguyễn Thị Vân Trang cho biết: "Năm học 2018 - 2019 vừa qua, học sinh Trường Ngôi sao đã tham gia các hoạt động giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, các em được tham gia tìm hiểu Tết Việt, tham gia gói bánh chưng, trả lời câu hỏi các phần thực hành, tham gia các trò chơi dân gian… Chúng tôi thấy hoạt động này hết sức bổ ích. Ðó là động lực để khi trở về, các thầy, cô đã tổ chức cho học sinh cuộc thi Ðại sứ di sản. Thông qua cuộc thi, các em làm mô hình, học hỏi kiến thức, nâng cao nhận thức về di sản và bảo tồn".

Triển khai chương trình hợp tác giáo dục di sản giữa Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn tăng cường giáo dục di sản. Năm học 2018 - 2019 vừa qua, rất nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức đoàn học sinh tham gia trải nghiệm các chương trình tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðan Phượng Nguyễn Quý Liễu chia sẻ: "Các trường học đều tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Trước đây, hoạt động này thường chủ yếu là các hoạt động vui chơi, nhất là ở các khu sinh thái. Nhưng khi triển khai chương trình giáo dục di sản, huyện có 53 trường học thì năm học vừa qua, đã có 12 trường đến Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa. Các em được mắt thấy tai nghe, được hiểu rõ những giá trị di sản, từ đó biết trân trọng. Quan trọng hơn, sau khi tham gia các hoạt động tìm hiểu di sản tại đây, khi trở về, các trường đều chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục di sản, như tổ chức các phiên chợ quê, tổ chức chương trình đón Tết… với các hoạt động, hình ảnh về văn hóa dân tộc".

Sau tròn một năm triển khai, đã có hơn 19 nghìn học sinh tham gia các chương trình trải nghiệm, chưa kể khoảng 100 nghìn học sinh tham quan Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa theo các hoạt động khác.

Ðể hoạt động giáo dục di sản đi vào nền nếp

Việc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội ký kết với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai chương trình giáo dục di sản vào tháng 9-2018 là lần đầu giáo dục di sản được quan tâm triển khai một cách bài bản. Tuy mới triển khai tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, song đây là hai di tích quan trọng hàng đầu của Thủ đô, nhất là Hoàng thành Thăng Long - nơi lưu giữ lịch sử Thăng Long - Hà Nội suốt nghìn năm qua, nơi có nhiều di sản kiến trúc, trang trí mỹ thuật… hết sức độc đáo. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng các chương trình khám phá phù hợp với trình độ, lứa tuổi của các em. Do đó, các chương trình đã đem lại cảm giác thú vị cho phần lớn học sinh.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, do kiến thức tại các di tích này đều khá khó hiểu, cho nên các em cần được trang bị trước một số kiến thức. Ðiều này đòi hỏi ngành văn hóa nói chung, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nói riêng cần đầu tư hơn nữa vào hệ thống dữ liệu về di sản văn hóa. Về phía đơn vị phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Hương (Công ty Du lịch Hoàng Minh) đề xuất, nên tổ chức thêm một số hoạt động nghệ thuật dân gian để học sinh có thêm trải nghiệm. Ðồng thời, tại các điểm tổ chức giáo dục di sản, cần bố trí các dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm sao cho hợp lý để đáp ứng nhu cầu của các em học sinh khi tham gia cả một chương trình trải nghiệm khá dài.

Sau một thời gian dài không được quan tâm đúng mức, các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã quan tâm hơn đến giáo dục di sản. Ngoài chương trình phối hợp giữa Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, các đơn vị như: Bảo tàng Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đều xây dựng những chương trình giáo dục di sản thông qua các hoạt động mang tính trải nghiệm, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, kỳ nghỉ hè... Mặc dù vậy, theo Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam Dương Trung Quốc, để các hoạt động giáo dục di sản đi vào nền nếp, cần sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa ngành giáo dục với các cơ quan văn hóa.