Sớm di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội thành

Thực hiện Quyết định số 64/2003/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, một số cơ sở sản xuất của trung ương, thành phố đã được di dời sang các khu, cụm công nghiệp ở ngoại thành hoặc sang các tỉnh lân cận. Thế nhưng, tiến độ thực hiện vẫn rất chậm trễ.

Nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cần sớm di dời ra khỏi khu vực nội thành. Trong ảnh: Nhà máy của Công ty Cao-su Sao Vàng tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Thắng
Nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cần sớm di dời ra khỏi khu vực nội thành. Trong ảnh: Nhà máy của Công ty Cao-su Sao Vàng tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Thắng

Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tháng 6-2003, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 74/2003/QÐ-UB về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành. Sau hơn 15 năm, đến nay các cơ sở sản xuất lập phương án di dời, 25 cơ sở xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và 67 cơ sở của cả trung ương, thành phố di chuyển sang các khu, cụm công nghiệp ở ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, trên địa bàn các quận nội thành vẫn còn khoảng 100 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần sớm di dời, trong đó tập trung nhiều ở các quận: Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ gây bức xúc dư luận.

Mới đây, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 11, HÐND thành phố Hà Nội khóa 15, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường tiếp tục được các đại biểu quan tâm. Ðại biểu Ðoàn Việt Cường (huyện Mê Linh), Phó Trưởng ban Ðô thị HÐND thành phố đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về nguyên nhân việc di dời chậm trễ, trách nhiệm của các cơ quan và giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Ðông cho biết, sau khi UBND thành phố có quyết định di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm ra khỏi khu vực các quận nội thành, các sở, ngành và UBND các quận đã tích cực vào cuộc. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã có ý thức, chủ động lập phương án di dời và thực tế đã có 67 đơn vị đã di chuyển. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các sở, ngành, UBND các quận tổng hợp, rà soát và xây dựng danh mục các cơ sở tiếp tục phải di dời, để báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và dự kiến năm 2020 sẽ báo cáo HÐND thành phố. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành phối hợp TP Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở di dời, nhưng đến nay, các cơ chế, chính sách hỗ trợ vẫn đang trong quá trình xây dựng. Các bộ, ngành chưa ban hành chính sách. Thứ hai, tâm lý chung của các doanh nghiệp đều ngại di chuyển ra ngoại thành và các tỉnh lân cận, vì người lao động phải di chuyển quá xa. Ðáng chú ý là năng lực tài chính của các đơn vị, doanh nghiệp trong diện phải di dời còn hạn chế. Khi đến địa điểm mới, các đơn vị, doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới, nâng cấp trang thiết bị, công nghệ, dây chuyền sản xuất phù hợp, đồng thời giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến người lao động, việc làm… đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi chính sách hỗ trợ còn hạn chế.

Liên quan việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội thành, trước đó tại phiên thảo luận tổ trong kỳ họp HÐND thành phố lần này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cũng cho rằng, đây là một vấn đề rất khó khăn. Theo Chủ tịch UBND thành phố, cho đến nay chưa có một cơ sở nào sau khi di dời bàn giao lại quỹ đất cho thành phố. Bởi, các cơ sở sản xuất, nhà máy khi di dời chỉ nhìn vào giá trị sử dụng đất, trong khi đó chính sách hỗ trợ còn hạn chế.

Rõ ràng, việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp quy hoạch phát triển đô thị hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành hay các tỉnh lân cận phù hợp quy hoạch, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển ổn định lâu dài và khai thác thêm quỹ đất đầu tư các công trình công cộng phục vụ cộng đồng là việc làm cần thiết. Hà Nội đã có nhiều cố gắng, nhưng để đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất ở khu vực nội thành không phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường rất cần sự phối hợp, nhất là chính sách hỗ trợ các cơ sở di dời của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần tiếp tục chuẩn bị quỹ đất sạch và có chính sách hỗ trợ sản xuất công nghiệp tại khu vực ngoại thành để thu hút các doanh nghiệp trong diện di dời. Quan tâm khai thác hiệu quả quỹ đất của các cơ sở sau khi di dời, sử dụng đất vào mục đích xây dựng công viên, công trình công cộng phục vụ cộng đồng.