Siết chặt quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Thành phố Hà Nội là địa phương có lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trên mỗi héc-ta đất sản xuất nông nghiệp rất thấp so với trung bình cả nước. Tuy nhiên, trên thị trường tồn tại không ít loại thuốc BVTV không bảo đảm tiêu chuẩn, có nhiều độc tính ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dân và sản xuất nông nghiệp.

Pha chế thuốc bảo vệ thực vật phun cho lúa ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: LÂM NGUYÊN
Pha chế thuốc bảo vệ thực vật phun cho lúa ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: LÂM NGUYÊN

Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 188 nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, tương đương diện tích gieo trồng cây hằng năm gần 300 nghìn héc-ta và hơn 21 nghìn héc-ta cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm. Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và BVTV, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 116 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, trong đó có hai xưởng sản xuất, gia công, sang chiết, đóng gói và gần 1.240 cửa hàng kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV. Lượng thuốc BVTV sử dụng tại Hà Nội năm 2016 là khoảng 316 tấn, năm 2017 là 265 tấn, năm 2018 là 362 tấn. Lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình cho một héc-ta đất sản xuất nông nghiệp từ 1,6 đến 2 kg, rất thấp so với mức trung bình 10 kg/ha trên toàn quốc, tương đương mỗi năm nông dân tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng tiền mua thuốc BVTV. Tuy nhiên, các vi phạm trong lĩnh vực thuốc BVTV vẫn không ít.

Ông Hoàng Văn Tươi, hội viên Hội Nông dân xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì phản ánh: Hiện nay, vẫn còn có nhiều loại thuốc BVTV không bảo đảm quy chuẩn được bày bán trên thị trường với giá rẻ, có nhiều độc tính tồn dư, đặc biệt có cả các loại thuốc BVTV trong danh mục cấm sử dụng và hóa chất kích thích tăng trưởng. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và những người sản xuất.

Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và BVTV, việc sử dụng thuốc BVTV giảm là nhờ nhận thức của người dân, nhất là người sản xuất ngày càng nâng cao. Nông dân nắm vững các kiến thức, kỹ năng canh tác thông qua tài liệu hướng dẫn, hội nghị đầu bờ, các phương tiện báo chí, tổ chức các lớp học đồng ruộng về dịch hại tổng hợp (IPM). Tại nhiều địa phương, điển hình như huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức… tỷ lệ nông dân không sử dụng thuốc BVTV mà chuyển sang sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học để bảo vệ cây trồng ngày càng tăng. Hệ thống cán bộ làm công tác bảo vệ thực vật từ thành phố, quận, huyện, thị xã đến các phường, xã, thị trấn đã dự báo chính xác tình hình dịch bệnh trên cây trồng và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hợp tác xã nông nghiệp hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách, bảo đảm thời gian cách ly. Công tác tuyên truyền, phổ biến các loại thuốc BVTV không được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng; việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm được quan tâm. Trong ba năm qua, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 2.230 lượt cơ sở, lấy hơn 260 mẫu thuốc BVTV lưu thông trên thị trường để kiểm định. Qua đó, phát hiện bảy mẫu thuốc chất lượng không phù hợp quy chuẩn chất lượng và xử phạt hành chính hơn 367 triệu đồng các cơ sở vi phạm về điều kiện kinh doanh, sản phẩm sai nhãn mác, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn chế trong công tác quản lý thuốc BVTV là do số lượng cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV rất lớn, giáp ranh với nhiều tỉnh, do đó thuốc nhập lậu dễ dàng tràn vào thị trường Hà Nội. Nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, buôn bán theo thời vụ không làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn hoạt động, trong khi chính quyền cấp xã chưa xử lý nghiêm, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Quá trình tiến hành thanh tra chuyên ngành phải có kế hoạch, thông báo trước… do đó hạn chế việc phát hiện vi phạm. Đáng chú ý, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng hiện nay với 1.714 hoạt chất, hơn 4.000 tên thuốc thương phẩm khác nhau quá phức tạp, trong khi hiểu biết của người dân về thuốc còn hạn chế, cho nên rất khó phân biệt thuốc thật, giả, thuốc được phép sử dụng hoặc thuốc cấm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, để giảm sử dụng thuốc BVTV, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc BVTV và việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn các trạm trồng trọt và BVTV, nhân viên trồng trọt, BVTV cấp xã bám sát đồng ruộng, kịp thời hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc bốn đúng.

Quản lý, sử dụng thuốc BVTV là lĩnh vực rất phức tạp; liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Vì thế, UBND thành phố cần tiếp tục chỉ đạo UBND cấp huyện, xã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong quản lý, sử dụng thuốc BVTV. Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tổ chức liên kết sản xuất khép kín theo chuỗi. Nông dân cần thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật canh tác, không lạm dụng thuốc BVTV và gắn trách nhiệm cộng đồng đối với từng sản phẩm.