Sẵn sàng bước vào năm học mới

Ngày mai (5-9), học sinh Thủ đô cùng học sinh cả nước nô nức khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Năm học này, cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục…, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội bắt đầu triển khai chương trình sữa học đường và giảng dạy đại trà bộ tài liệu Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông.

Học sinh ở Hà Nội háo hức trước ngày khai giảng.
Học sinh ở Hà Nội háo hức trước ngày khai giảng.

Năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường và gần hai triệu học sinh, tăng 48 trường và tăng gần 110 nghìn học sinh so với năm học trước. Số lượng học sinh tăng nhiều dẫn đến tình trạng quá tải trường lớp tại một số khu vực tập trung nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hà Nội Lê Ngọc Quang chia sẻ, việc sĩ số học sinh trong một lớp học cao ngoài nguyên nhân do thiếu trường, lớp; một phần do phụ huynh có tâm lý thích cho con học ở một số trường nhất định, cho nên dồn vào. Sở GD và ÐT sẽ thực hiện mọi biện pháp để giảm bớt tỷ lệ học sinh trái tuyến và bổ sung phòng học. Giáo viên định mức trên đầu lớp 35 học sinh/lớp. Giờ nếu 60 học sinh/lớp thì phải tăng giáo viên, có thể một lớp có hai giáo viên”.

Năm học này, Hà Nội chủ động tăng cường hội nhập quốc tế trong GD và ÐT, coi đây là một trong những bước đột phá của ngành. Thành phố tiếp tục mở rộng triển khai Ðề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam - IGCSE, Cambridge tại bảy trường THCS; chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level, Cambridge tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ðiểm mới trong năm học này đó là Sở GD và ÐT bắt đầu triển khai chương trình sữa học đường trong các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn, nhằm góp phần nâng cao tầm vóc cho trẻ. Ðồng thời, triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông, nhằm xây dựng ý thức, văn hóa giao thông cho các em, qua đó, để các em tuyên truyền cho người thân trong gia đình cùng thực hiện.

Ðể siết chặt quản lý vấn đề thu chi, khắc phục tình trạng lạm thu tiền trường mỗi dịp đầu năm học, Sở GD và ÐT Hà Nội công bố 31 số điện thoại đường dây nóng của các quận, huyện, thị xã để người học, phụ huynh và nhân dân kịp thời phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định trong năm học 2018-2019. Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Chử Xuân Dũng chỉ đạo, các trường phải chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các nhà trường để chấn chỉnh tình trạng lạm thu; có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng thực hiện thu chi không đúng quy định.

Năm học này, Hà Nội đã xây mới 74 trường học (trong đó có 29 trường được thành lập mới), bổ sung thêm 1.579 phòng học, cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp... Ðể giúp các trường khắc phục hậu quả đợt lũ lụt vừa qua, Sở GD và ÐT hỗ trợ năm trường của huyện Chương Mỹ mỗi trường 200 triệu đồng, hai trường của huyện Quốc Oai mỗi trường 100 triệu đồng, cùng nhiều hỗ trợ về trang thiết bị, sách vở, đồ dùng dạy học đến từ công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, Phòng GD và ÐT các quận, huyện của thành phố… Nhờ đó, công tác chuẩn bị cho năm học mới ở những huyện bị úng ngập đến nay đã hoàn tất.

Theo Trưởng Phòng GD và ÐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Vững, hiện nay, các trường học tại các xã vùng lũ như Tân Tiến, Nam Phương Tiến đã hoàn tất các công tác chuẩn bị để đón năm học mới. Cô Nguyễn Thị Xuân Loan, giáo viên Trường tiểu học Nam Phương Tiến A cho biết, với sự giúp sức, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội, phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên đã tổng vệ sinh trường lớp, khử trùng, tiêu độc, sẵn sàng đón học sinh tựu trường.

Tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, gần 400 học sinh đã tựu trường và bắt đầu học từ ngày 15-8. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng cho biết: Ðợt ngập lụt vừa qua, nhiều trang thiết bị dạy học của nhà trường bị hư hỏng nặng. Bàn ghế học sinh, một số đồ dùng dạy học bị nước cuốn trôi hoặc phá hủy. Với phương châm nước rút đến đâu dọn dẹp và khắc phục đến đó, cho nên đến trước ngày 15-8, toàn bộ bàn ghế đã được sửa chữa, khắc phục, sẵn sàng đón thầy và trò tựu trường. Trong thời gian này, nhà trường chú trọng ôn tập, dạy văn hóa đồng thời lồng ghép hướng dẫn học sinh kỹ năng xử lý tình huống và ứng phó thiên tai. Qua đó, nhằm trang bị cho các em kỹ năng sinh tồn trước những diễn biến bất thường của thời tiết.