Sắc màu văn hóa dân tộc Chăm trong lòng Hà Nội

Những hoạt động trình diễn, hướng dẫn khách trải nghiệm làm gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp; biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm, giới thiệu về du lịch, đặc sản ẩm thực Ninh Thuận... trong chương trình “Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” cuối tuần vừa qua đã thu hút đông đảo khách tham quan.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại chương trình “Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội”.
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại chương trình “Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội”.

Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Hà Nội với tỉnh Ninh Thuận, đem đến một không gian văn hóa đặc sắc cho công chúng Thủ đô, đồng thời góp phần quan trọng trong xúc tiến đầu tư, du lịch Ninh Thuận.

Khu vực Nhà bát giác vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) dịp cuối tuần đã trở thành “sân khấu” cho những màn trình diễn văn hóa đến từ Ninh Thuận, mà đặc sắc nhất là những sắc màu văn hóa Chăm. Người Hà Nội vốn không xa lạ với nghề làm gốm. Nhưng khi các nghệ nhân gốm Bàu Trúc trình diễn kỹ thuật làm ra những sản phẩm, rất đông khán giả vây quanh bởi đây là một “món lạ”. Nếu các tỉnh phía bắc thường làm các sản phẩm trang trí như bình, lọ, chum, chóe... bằng bàn xoay, hay đổ khuôn thì những nghệ nhân Bàu Trúc, sau khi nhào đất kỹ, hoàn toàn sử dụng đôi tay để làm ra sản phẩm.

Từng lớp, từng lớp đất được chồng lên nhau, cùng với đôi bàn tay khéo léo, người thợ đi quanh sản phẩm, những chiếc bình, chiếc lọ dần hình thành. Tất cả các đường nét uốn lượn, khắc vạch đều làm bằng tay. Sự kỳ công này đã tạo ra những sản phẩm “độc bản”. Nhưng điều thú vị nhất là khi người thợ điêu khắc mô hình những ngọn tháp Chăm hay những pho tượng. Cùng với gian hàng giới thiệu sản phẩm gốm Bàu Trúc, các khung cửi dệt thổ cẩm của làng dệt Mỹ Nghiệp cũng luôn đông khách tham quan. Sản phẩm của dệt Mỹ Nghiệp làm từ bông. Nghệ nhân se sợi, nhuộm mầu rồi dệt thành những tấm vải rực rỡ sắc mầu. Sự tương đồng với nghề thủ công truyền thống khu vực phía bắc là những mầu nhuộm đều làm từ những vật liệu thiên nhiên. Mầu đen được làm từ lá cây chùm bầu, sau đó đem ngâm trong bùn non; mầu đỏ được nhuộm bằng chất liệu lấy từ mủ cây cánh kiến; mầu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm...

Nhưng điểm khác biệt là ở chỗ những hoa văn trên thổ cẩm lại mang đặc trưng riêng của văn hóa Chăm vùng Nam Trung Bộ.

Những hoạt động ấy diễn ra trên nền tiếng trống pa-ra-nưng sôi động, tiếng đàn ka-nhi huyền bí...

Bất kỳ ai cũng có thể lên sân khấu để các nghệ nhân hướng dẫn tham gia vào những điệu múa Chăm độc đáo như: biyen, tiaung, patra...

Những bức ảnh về phong cảnh, nét văn hóa, con người Ninh Thuận chung quanh khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ giúp khách tham quan hiểu thêm về vẻ đẹp của vùng đất này. Văn hóa dân tộc Chăm phổ biến ở nhiều tỉnh miền trung. Nhưng với chương trình “Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội”, đây là lần đầu sắc màu văn hóa Chăm được giới thiệu với công chúng Thủ đô “đậm đặc” đến thế. Chị Lê Thúy Hà (phố Núi Trúc, quận Ba Đình) cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi được trải nghiệm nhiều nét độc đáo của văn hóa Ninh Thuận. Ngoài tham quan, chúng tôi còn mua một số sản phẩm nông sản nổi tiếng của Ninh Thuận”.

Ninh Thuận sở hữu 105 km chiều dài bờ biển. Địa hình bán sa mạc ban tặng cho địa phương này những bãi cát trắng trải dài dọc bờ biển. Cùng với đó, những dãy núi đâm ra bờ biển tạo nên những cảnh quan ngoạn mục. Những bãi biển Ninh Chữ, Cà Ná hay vịnh Vĩnh Hy đều nằm trong số những bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Đồng bào dân tộc Chăm hiện chiếm hơn 10% số dân của tỉnh Ninh Thuận, nhưng lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo. Nổi bật trong đó là cụm tháp Pôklông Garai, tháp Hòa Lai...; những làng nghề truyền thống như gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp; và sự giàu có của những loại hình nghệ thuật truyền thống...

Về ẩm thực, địa hình bán sa mạc đem đến cho Ninh Thuận những đặc sản như: thịt cừu, nho, táo, rượu vang...

Ninh Thuận lại nằm giữa “tam giác du lịch” của khu vực Nam Trung Bộ gồm: Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, rất thuận tiện để kết nối với các địa danh du lịch nổi tiếng trong khu vực như: Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt...

Trong chín tháng năm 2019, Ninh Thuận đã đón hai triệu khách du lịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng, du lịch Ninh Thuận vẫn chưa phát triển xứng đáng, chưa có địa danh là những điểm đến “không thể thiếu” trong bản đồ du lịch Nam Trung Bộ. Tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết: “Ninh Thuận xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, đến năm 2020 sẽ đón 2,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.450 tỷ đồng, đóng góp 12% GRDP, giải quyết việc làm cho 13% lao động của tỉnh”.

Những “Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận” là kết quả của thỏa thuận hợp tác giữa Hà Nội với tỉnh Ninh Thuận sau Hội nghị hợp tác, phát triển do Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) vào tháng 6-2019. Với việc thu hút đông đảo khách tham quan đến trải nghiệm, “Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” còn góp phần quan trọng trong xúc tiến đầu tư, du lịch Ninh Thuận.