Quản lý chặt việc bán thuốc theo đơn

Việc bán thuốc không theo đơn thời gian qua đã gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020”.

Cấp, phát thuốc theo đơn tại nhà thuốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH
Cấp, phát thuốc theo đơn tại nhà thuốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH

Ngoài 110 nhà thuốc các bệnh viện công lập của Hà Nội và các bệnh viện của Trung ương, bộ, ngành, tại Hà Nội còn hàng nghìn nhà thuốc tư nhân, xuất hiện ở hầu khắp các khu dân cư, tuyến phố. Việc kinh doanh, mua bán các loại thuốc diễn ra rất đơn giản, dễ dàng. Bước vào một nhà thuốc tư nhân chuẩn GPP (thực hành nhà thuốc tốt) tại Khu nhà ở Thạch Bàn (quận Long Biên), phóng viên chỉ cần nói qua về tình trạng con nhỏ bị sốt, ho, nghẹt mũi… là người bán đã thoăn thoắt lấy liệu trình ba ngày thuốc kháng sinh đưa cho, không quên dặn dò "Trẻ sốt thế phải dùng kháng sinh đấy nhé!". Dù các loại thuốc này đều được ghi rõ "Thuốc bán theo đơn" nhưng không cần thăm khám, không cần đơn thuốc, ai cũng có thể dễ dàng mua được tại các hiệu thuốc, nhất là hiệu thuốc tư nhân. Bộ Y tế nhận định, việc bán thuốc không theo đơn rất phổ biến, cùng với đó là tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc tiêm, vi-ta-min, kê quá nhiều thuốc cho đơn thuốc, kê tên thương mại thay cho tên hoạt chất.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tất cả các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân trên địa bàn đã kê đơn trên hệ thống máy tính kết nối với nhà thuốc bệnh viện, nhưng việc kê đơn tại các phòng khám tư nhân và nhà thuốc tư nhân thì chưa kiểm soát được. Việc bán thuốc không cần đơn là do chủ nhà thuốc muốn tăng lợi nhuận hoặc đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Phần lớn người dân hiện còn ngại đi khám bệnh, chưa nhận thức việc tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Trong khi đó, công tác giám sát, hậu kiểm của cơ quan quản lý còn yếu do số lượng nhà thuốc quá lớn trong khi lực lượng chức năng lại mỏng. Hiện theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc thì bị xử phạt từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng. Ðối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác bị xử phạt từ một triệu đến hai triệu đồng. Chế tài xử lý này được đánh giá là chưa đủ sức răn đe. Những bất cập này tồn tại đã lâu nhưng chưa có giải pháp thật sự hiệu quả.

Mới đây, thực hiện đề nghị của Bộ Y tế, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 5272/VP-KGVX đề nghị sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Ðề án "Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020". Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, Sở đang xây dựng và trình UBND thành phố kế hoạch triển khai thực hiện Ðề án. Dù đây là việc làm rất khó nhưng Sở kỳ vọng, với những giải pháp mới, việc kinh doanh thuốc sẽ được kiểm soát tốt hơn. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc có hiệu lực từ ngày 8-3-2018, quy định lộ trình đối với các loại hình cơ sở bán lẻ thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về mua, bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng, cũng như chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động phối hợp Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) và các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý nhà thuốc trên địa bàn để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát hạn dùng, giá và chất lượng thuốc. Khi đó, chỉ có những loại thuốc được quản lý trên phần mềm mới được bày bán, tránh được việc trộn lẫn thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tình trạng người bán hàng chỉ ở trình độ sơ cấp hoặc trung cấp dược nhưng vẫn tự ý tư vấn bán thuốc kháng sinh cho khách hàng, gợi ý đổi loại thuốc, tên thuốc cũng sẽ được hạn chế. Các nhà thuốc bắt buộc phải lắp đặt ca-mê-ra để cơ quan quản lý có dữ liệu theo dõi việc bán thuốc theo đơn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà thuốc cũng cần tăng cường hơn trước. Mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ hoạt động mua bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc, kiểm soát tốt hoạt động kê đơn, kinh doanh thuốc nói chung.