Hà Nội một góc nhìn

Quà quê

Có một thời, củ khoai, củ sắn, bát cơm độn hay bát canh rau tập tàng từng là nỗi ám ảnh với bao người đã từng trải qua những ngày đói kém. Nhưng đến một ngày, khi đời sống đã sung túc hơn, chúng ta bắt gặp những gánh quà quê giữa những tất bật phồn hoa lại thấy xốn xang lạ.

Có thể với những đứa trẻ sống ở thành phố, hình ảnh này khá xa lạ, nhưng với bố mẹ, ông bà chúng thì đó là ký ức khó phai nhạt. Tôi đã từng thấy một hình ảnh gợi nhiều suy nghĩ. Khi gánh hàng rong đi ngang ngõ, một đứa trẻ gọi lớn "Khoai ơi!". Người phụ nữ bán hàng rong đã luống tuổi dừng bước. Ðứa trẻ chạy ù đến mua một củ, rồi bóc ăn khá nhanh, ăn chưa hết củ khoai khá to thì nó chán và vứt bỏ phần còn lại. Khoai lang mà ăn vội vã như thế thì chán là đúng rồi.

Người bán hàng đi chưa được mấy bước thì một người đàn ông tóc hoa râm đang ngồi uống trà ven đường gọi nhỏ "Chị ơi!". Người bán hàng dừng lại. Họ trò chuyện. Người đàn ông hỏi chị bán khoai lang gì, trồng đất gò hay đất bãi, chị đem từ quê lên hay mua buôn ở đâu, luộc khoai như thế nào… Người phụ nữ đặt hẳn gánh hàng xuống, bỏ nón ra cầm tay quạt và niềm nở trả lời ông, như nói cho hết nỗi lòng của gánh quà quê. Người đàn ông chậm rãi nhai từng miếng khoai lang, rưng rưng sống lại những ngày tháng đã lùi xa. Hay ông đang gặp lại quê hương, gặp lại một mảnh đất nào từng gắn bó thời đói khó.

Những người bán rong giữa lòng Hà Nội có thể đem cả một vùng quê đến phố, mùa nào thức ấy. Cứ nghĩ ở phố mọi thứ luôn có sẵn, nhưng cũng phải đúng mùa, đúng độ. Phải là tháng ba, mùa xuân đương độ chín thì trên khắp những ngõ phố Hà Nội người ta mới được thưởng thức cái thanh tao của những chùm hoa bưởi trắng muốt e lệ. Hay độ cuối xuân đầu hạ, ai đó mới ngỡ ngàng thảng thốt nhận ra hương cau nồng nàn khi đi ngang thúng hàng của bà cụ bán hoa ngồi lặng lẽ ở góc phố. Dịp cuối năm, đó đây trên vỉa hè những con phố lớn ta sẽ gặp mầu đen nhánh của những củ ấu xù xì… Sắc mầu của những món quà quê như những lát cắt tô điểm và làm sinh động hơn, nhưng cũng sâu lắng hơn vẻ đẹp của Hà Nội cổ kính. Rất nhiều người trong chúng ta sinh ra, lớn lên từ những miền quê, cho nên quà quê cũng chính là một phần của nguồn cội, quê hương trong mỗi người.

Thế hệ tôi sinh ra vào những năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, đất nước mới bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế chưa phát triển, ngày ăn bữa sắn, bữa khoai là chuyện bình thường, cũng có khi cả một mùa dài ăn cơm độn. Những chiều tháng ba kẹp rổ đi hái rau dại ngoài đồng, hay những buổi lên rừng tìm hoa chuối, măng đắng về ăn đổi bữa sắn, khoai. Lúc ấy hẳn tôi chưa biết được sẽ có ngày như bây giờ, sống giữa phố mà khát thèm vị quê. Thi thoảng cha mẹ ở quê gửi lên cho ít khoai, đọt hoa chuối, túi rau dại hiếm hoi mẹ bòn mót được đâu đó. Vậy thôi cũng đủ để tôi hân hoan, khắc khoải. Nghe mẹ gọi điện bảo đang gửi đồ quê xuống là háo hức đợi chờ, hệt như thuở xưa đợi mẹ chợ xa về để được nắm bỏng ngô hay cái bánh dợm. Quà quê giữa phố bây giờ cũng trở nên quý hiếm, phải dè sẻn. Tôi chia nhỏ rồi cất đi. Quả cà, cọng rau mẹ trồng được trong vườn rồi gửi xuống phố lại trở thành món xa xỉ mời bạn, mời khách. Và tất nhiên phải đợi dịp thư thả, cả chủ cả khách đều từ tốn, chậm rãi thưởng thức, chứ đâu thể ăn vội như những đồ ăn nhanh đang tràn lan ngoài phố.

Quà quê giữa phố giống như một phần ký ức của mỗi người. Có thể đó chỉ là một góc nhìn chủ quan, nhưng tôi vẫn tin, với tôi và nhiều người thì quà quê chính là những ký ức không bị mất đi.