Phụ nữ Thủ đô tích cực chống rác thải nhựa

Rác thải nhựa đang là vấn nạn với toàn xã hội. Để thiết thực bảo vệ môi trường, chống tác hại của rác thải nhựa, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội đã có nhiều sáng tạo.

Chương trình “Đổi chai nhựa lấy cây” tại phường Việt Hưng được nhiều người ủng hộ.
Chương trình “Đổi chai nhựa lấy cây” tại phường Việt Hưng được nhiều người ủng hộ.

Dạo này, hàng xóm thường thấy bà Hà Thị Nghi (Tổ 3, phường Việt Hưng, quận Long Biên) rất chịu khó thu gom rác thải nhựa, nhất là các loại chai, lọ nhựa đã qua sử dụng. Thỉnh thoảng, bà Nghi còn xin mọi người chai, lọ nhựa. Thấy vậy, có người bảo, gia đình bà kinh tế khá giả, việc gì phải lọ mọ cóp nhặt thế cho vất vả. Mãi gần đây, mọi người mới vỡ lẽ, bà Nghi là người tích cực tham gia chương trình “Đổi chai, lọ nhựa lấy cây”, do Hội LHPN phường Việt Hưng thực hiện. Bà Nghi cho biết: “Ai cũng biết rác thải nhựa có hại cho môi trường. Tuy nhiên, ý thức mọi người trong vấn đề này chưa cao. Khi Hội LHPN phường phát động chương trình “Đổi chai, lọ nhựa lấy cây”, tôi rất hoan nghênh và tham gia. Nhiều chị em trên địa bàn cũng hưởng ứng. Các khu vực công cộng trong phường bây giờ giảm hẳn rác thải nhựa”. Ngày 28-5 vừa qua, phường Việt Hưng tổ chức hoạt động “Đổi chai, lọ nhựa lấy cây” lần thứ hai của năm 2019. “Công thức” quy đổi là 1kg lọ nhựa (hoặc phế liệu như: giấy vụn, sắt vụn…) sẽ được tính là phiếu. Phiếu này sẽ được đổi lấy cây xanh, tùy theo giá trị. Trong đợt đổi chai, lọ nhựa lần này, Hội Phụ nữ đã thu được 220 kg chai, lọ nhựa, 240 kg giấy vụn và một số phế liệu khác. Số phế liệu sẽ được đem bán để mua cây xanh. Điều đáng nói, một số cây xanh được chị em đem về nhà trang trí, còn phần lớn số cây xanh được trồng mới, hoặc bổ sung vào khuôn viên nhà văn hóa, không gian công cộng của các tổ dân phố. Chương trình “Đổi chai, lọ nhựa lấy cây” còn được triển khai tại một số địa phương khác thuộc quận Long Biên.

Phong trào “Chống rác thải nhựa” được nhiều sở, ngành, đoàn thể TP Hà Nội triển khai từ cuối năm 2018. Với tư cách là tổ chức hội có đông đảo hội viên nhất, thành viên của hội thường liên quan đến công việc gia đình, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã tích cực chỉ đạo các cấp hội hưởng ứng phong trào. Các quận, huyện đã xây dựng nhiều mô hình khác nhau. Hội LHPN các quận, huyện như: Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thường Tín… phát động chương trình phụ nữ “nói không” với túi ni-lông khi đi chợ. Hội Phụ nữ quận Hai Bà Trưng có phong trào “Ngày chủ nhật không túi ni-lông”. Chủ tịch Hội LHPN quận Hai Bà Trưng Nguyễn Xuân Diệp cho biết: “Trong các buổi sinh hoạt, các chi hội đã phân tích, chia sẻ cho hội viên hiểu tác hại của việc sử dụng túi ni-lông tới sức khỏe, môi trường. Nhiều chi hội phụ nữ đã làm tiểu phẩm sân khấu để tuyên truyền hiệu quả hơn. Hội LHPN quận còn tổ chức tặng các chị em 3.000 túi vải để đi chợ thay túi ni-lông”. Tương tự Hội LHPN, các huyện: Thường Tín, Mỹ Đức… cũng phát làn cho hội viên để sử dụng khi đi chợ.

Hội LHPN quận Hoàn Kiếm xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ gấp và sử dụng túi giấy, hạn chế sử dụng túi ni-lông”. Chị em tận dụng những tờ giấy báo cũ, bìa cũ, những tờ lịch… đã qua sử dụng để gấp thành hộp, túi sử dụng hằng ngày đi chợ, đi siêu thị, vừa tiết kiệm, hạn chế được một lượng đáng kể túi ni-lông thải ra môi trường. Hội LHPN quận Hoàn Kiếm còn vận động hội viên thực hành “2T” là “tận dụng, tiết kiệm” các nguyên vật liệu cũ để tái chế thành các sản phẩm có giá trị thay thế, hạn chế xả rác thải ra môi trường.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình “Chống rác thải nhựa”, ngày 2-6 vừa qua, tại quận Thanh Xuân, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã phát động chương trình “Chống rác thải nhựa” trong các cấp hội phụ nữ toàn thành phố, thiết thực hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6. Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: “Phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni-lông mới bị phân hủy, gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người. Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều phong trào, xây dựng thành công nhiều mô hình bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa như: “Tiết kiệm đồ tái chế trồng cây xanh”; “Sử dụng túi thân thiện với môi trường để đi chợ thay thế túi ni-lông”; “Đổi phế liệu giữ mầu xanh, gây quỹ từ thiện”; “Sạch đồng ruộng”... Thời gian tới, các cấp hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ khối chợ, nữ chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gương mẫu thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường...”.