Phòng, chống cháy nổ tại các di tích

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra ba vụ cháy lớn tại các di tích, trong đó, có những di tích mới được tu bổ chưa lâu, tốn kém hàng chục tỷ đồng bị cháy, gây thiệt hại nặng nề.

Lực lượng cảnh sát PCCC phun nước khống chế đám cháy tại đền Lâm Du (Long Biên).
Lực lượng cảnh sát PCCC phun nước khống chế đám cháy tại đền Lâm Du (Long Biên).

Dù thành phốthường xuyên có những văn bản đôn đốc công tác phòng, chống cháy nổ tại các di tích, nhưng việc thực hiện còn phụ thuộc nhiều vào ý thức của chính quyền địa phương. Việc các sự cố xảy ra cho thấy sự cần thiết phải có quy chuẩn về công tác phòng, chống cháy nổ tại di tích.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, có đến ba di tích trên địa bàn Hà Nội bị cháy lớn. Ngay sau Tết Dương lịch 2020, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại chùa Cự Ðà (xã Ða Tốn, huyện Gia Lâm) khiến tam bảo, tiền đường, thượng điện bị thiệt hại, nhiều cột, kèo, tượng Phật bị cháy rụi. Ðáng tiếc, chùa Cự Ðà được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, có kiến trúc đẹp. Di tích được UBND thành phố Hà Nội đầu tư, tu bổ năm 2008 - 2009 và là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Cuối tháng 6-2020, liên tiếp xảy ra hai vụ cháy. Ðầu tiên là vụ cháy đền Lâm Du (phường Bồ Ðề, quận Long Biên). Dù chưa được công nhận là di tích, nhưng đền Lâm Du đã nằm trong danh mục kiểm kê di tích của thành phố. Gần như toàn bộ hạng mục kiến trúc chính của ngôi đền bị cháy rụi, một số tượng thờ cũng bị cháy nham nhở. Chị Âu Thu Phương, người dân sống gần đền Lâm Du cho biết: "Ngôi đền này là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhiều người dân quanh vùng. Khi vụ cháy xảy ra, chúng tôi rất buồn. Việc xây dựng lại chắc hẳn sẽ rất tốn kém".

Cùng ngày với vụ cháy đền Lâm Du, chùa Linh Quang (thôn Ðông Thượng, xã Ðông Yên, huyện Quốc Oai) cũng "phát hỏa". Dù lực lượng phòng cháy, chữa cháy có mặt ngay sau khi xảy ra cháy, nhưng do thời tiết khô nóng, di tích nhiều hiện vật dễ cháy, cho nên thiệt hại nặng nề. Toàn bộ nhà tam bảo và các pho tượng gỗ tại đây gần như bị thiêu rụi. Ðáng chú ý, di tích chùa Linh Quang được tu bổ năm 2014, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Hiện, lực lượng chức năng đang kiểm kê lại hiện vật, lên phương án để phục dựng. Tòa tam bảo chùa Linh Quang có quy mô rất lớn nên sẽ đòi hỏi khoản kinh phí lớn, nếu muốn khôi phục.

Thời gian qua, cùng với sự xuống cấp, các vụ cháy là một trong những nguyên nhân hủy hoại các di tích. Các di tích từng xảy ra cháy lớn có thể kể đến như: chùa Tảo Sách, chùa Tĩnh Lâu (quận Tây Hồ), chùa Thanh Sơn (huyện Sóc Sơn), đình Thọ Tháp (quận Cầu Giấy)… Theo các nhà nghiên cứu, các di tích như đình, chùa, đền… là những nơi có nguy cơ mất an toàn về phòng cháy cao do người dân thường thắp nến, thắp hương, đốt vàng mã, trong khi di tích có kiến trúc bằng gỗ, một số trang trí bằng vải, dễ bắt lửa. Ngoài ra, chập điện cũng là nguyên nhân gây hỏa hoạn như vụ cháy ở chùa Tĩnh Lâu. Thực tế hiện nay, các di tích khi tu bổ đều phải trải qua đánh giá, thẩm định về công tác phòng cháy, chữa cháy. Chỉ khi bảo đảm thì dự án mới được phê duyệt. Những di tích không thuộc diện tu bổ thì công tác phòng cháy, chữa cháy phụ thuộc hoàn toàn vào sự quan tâm của chính quyền địa phương. Một số địa bàn làm tốt như quận Thanh Xuân, hằng năm, công an quận phối hợp các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn bộ các di tích này, hướng dẫn trụ trì và các ban quản lý di tích về công tác phòng cháy, chữa cháy; đưa ra những khuyến cáo bảo đảm an toàn khi thắp hương, đốt vàng mã… Tuy nhiên, công tác này chưa đồng đều. Bản thân những di tích được tu bổ, sau một thời gian, các phương tiện phòng cháy, chữa cháy cũng bị hư hại, xuống cấp. Ðây cũng là lý do nếu hỏa hoạn xảy ra, thiệt hại thường rất lớn do thiếu phương tiện tại chỗ.

Trưởng Ban Quản lý Di tích, danh thắng TP Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: Theo phân cấp, phần lớn các di tích hiện do các quận, huyện trên địa bàn quản lý. Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý Di tích, danh thắng thành phố luôn đôn đốc, nhắc nhở các địa phương chú ý công tác phòng cháy, chữa cháy tại các di tích, nhất là trong mùa lễ hội. Năm nay, do dịch Covid-19, cho nên một số địa phương chưa có điều kiện quan tâm đúng mức đến công tác này, cộng với điều kiện thời tiết khiến các vụ cháy dễ xảy ra hơn. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân do chủ quan. Cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn đôn đốc, nhắc nhở, nhưng có địa phương chưa thật sự quan tâm; có địa phương lại gặp khó khăn về kinh phí, vì để đầu tư kinh phí cho phòng cháy, chữa cháy ở các di tích là không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Doãn Văn, trong khi các địa phương chưa thể đầu tư đồng bộ cho công tác phòng cháy, chữa cháy, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý Di tích, danh thắng thành phố tập trung vào công tác tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phòng, chống cháy. Thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tổ chức tập huấn quy mô về công tác bảo tồn di tích với cán bộ cơ sở cũng như những người trông nom di tích, trong đó tập trung vào công tác phòng, chống cháy. Về lâu dài, theo nhiều chuyên gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên phối hợp các cơ quan liên quan thiết lập quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy ở các di tích, tạo cơ sở cho các địa phương triển khai đồng bộ, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Chí Dũng