Chương trình số 02-CTr/TU

Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững

Với tiêu đề “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”, Chương trình số 02-CTr/TU đề ra mục tiêu tổng quát, năm mục tiêu cụ thể và 11 chỉ tiêu. 

Sản xuất phụ tùng tại Công ty CP Nhựa Hiệp Hòa Việt Nam (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Sản xuất phụ tùng tại Công ty CP Nhựa Hiệp Hòa Việt Nam (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Trong đó, về tổng quát, Hà Nội xác định đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17.

Về mục tiêu cụ thể, trước mắt thành phố ưu tiên nguồn lực để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung thu hút và tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, hợp lý để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển, quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.

Để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu trên, Chương trình số 02-CTr/TU đề ra sáu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Bao gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Hai là, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để thúc đẩy phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô. Bốn là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản lý kinh tế, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Năm là, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Sáu là, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 7,5 đến 8%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 8.300 đến 8.500 USD/người. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt từ 3,1triệu tỷ đến 3,2 triệu tỷ đồng (tăng từ 12,5 đến 13,5%/năm).

Cơ cấu kinh tế năm 2025 gồm: Dịch vụ chiếm 65 đến 65,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5 đến 23%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4 đến 1,6%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1 triệu đến 3,2 triệu tỷ đồng.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7 đến 7,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo trong GRDP chiếm 17%; kim ngạch xuất khẩu 20,470 tỷ USD; số lượt khách du lịch đạt từ 35 triệu đến 39 triệu lượt người (trong đó có 8 đến 9 triệu lượt khách quốc tế); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 đến 80%.

Chương trình số 02-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội khóa 17 cũng xác định, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất, cơ cấu lại và phát triển nhanh các thành phần kinh tế, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp. Coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

Đi đôi với việc thực hiện các giải pháp tăng nhanh số lượng doanh nghiệp và nâng cao đóng góp của khu vực tư nhân, Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, bảo đảm cho doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng theo nguyên tắc thị trường; áp dụng các thực tiễn quản trị tốt của quốc tế và quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp… Đối với kinh tế tập thể, có cơ chế, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường.

Về huy động nguồn vốn đầu tư, ngân sách thành phố phải được sử dụng có hiệu quả, ưu tiên các công trình có tính cấp bách, trọng tâm trọng điểm; sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí... Với nguồn vốn ngoài ngân sách, cần xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời, phải nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng, chọn lọc các lĩnh vực công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường; chú trọng liên kết và chuyển giao công nghệ; khuyến khích thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia, thuộc nhóm tốp 500 thế giới...

Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, Hà Nội kiên trì các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung khắc phục và nâng cao các chỉ số thành phần còn xếp hạng thấp. Từng bước hình thành và phát triển một số mô hình kinh tế mới: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…

Thành phố  từng bước thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ pháp lý, các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, ưu đãi về thuế, nhân lực, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, công nghiệp hỗ trợ. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch các thủ tục, quy trình...

Đáng chú ý, Chương trình số 02-CTr/TU xác định tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Trung ương sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô, như: Quy hoạch, thu hút nguồn lực, nhân lực chất lượng cao, cơ chế giải quyết thủ tục hành chính theo hướng rút gọn… tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững.