Phát triển Hà Nội thành trung tâm dịch vụ logistics

Thông thương hàng hóa càng tăng càng đòi hỏi dịch vụ logistics phát triển để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước, nhưng vẫn đang gặp nhiều hạn chế.

Cảng nội địa ICD Mỹ Đình. Ảnh: THẾ TUẤN
Cảng nội địa ICD Mỹ Đình. Ảnh: THẾ TUẤN

Dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, trong đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan và các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics, nhưng thực chất, chỉ có 5.445 doanh nghiệp đang hoạt động chính thức. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm 80%, phần lớn đều có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực, thường chỉ có từ 10 đến 20 nhân viên. Vì vậy, các doanh nghiệp logistics trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường. Trong khi đó, một số tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam như Kunhe Nagel, Schenker, Bikar, APL logistics..., giành được khoảng 70% thị trường nhờ tính chuyên nghiệp, mạng lưới rộng và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Hạ tầng logistics trên địa bàn Hà Nội cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống giao thông thời gian qua đã được quan tâm đầu tư, xây dựng và đem lại diện mạo mới. Tuy nhiên, hệ thống vận tải chủ yếu là đường bộ trong khi đây là loại hình giao thông có chi phí cao nhất. Theo các chuyên gia kinh tế, Hà Nội có các cảng đường sông, nhưng chưa phát huy được thế mạnh do thiếu những thiết bị nâng hạ hàng hóa, hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa bằng xe tải đi và đến từ các cảng sông. Còn hệ thống đường sắt cũ và chưa thật sự thuận tiện…

Về hệ thống kho hàng, bến bãi, ngoài hệ thống kho bãi thông thường, trên địa bàn có hai cảng ICD là Mỹ Đình và Gia Lâm. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hateco logistics Nguyễn Văn Đức cho biết: “Các cảng ICD tại miền bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đều có diện tích và quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang, thiết bị xếp dỡ chuyên dụng. Về quy hoạch kho bãi, Hà Nội có năm dự án đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, có tám dự án đang hoàn thiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Là đầu tàu kinh tế lớn nhưng số lượng này là quá thấp, khó đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường”.

Chi phí logistics ở Hà Nội hiện chiếm tỷ lệ cao trong giá thành, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Ông Hàn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu đồ gỗ nội thất (ở quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Với một lô hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phải chịu rất nhiều chi phí cho logistics như phí thủ tục hải quan thông quan xuất khẩu, phí vận tải nội địa (phí cầu phà, đường cao tốc), phí làm vận đơn... Đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng của các nước trong khu vực”.

Quan tâm đến hoạt động logistics

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, để đáp ứng nhu cầu và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, Hà Nội đã ban hành Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025”. Mục tiêu là phát triển Hà Nội thành một trong ba trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP, đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, trung chuyển và nội địa.

Về cơ sở hạ tầng, Hà Nội sẽ xây dựng một trung tâm logistics hạng I (ở phía bắc) và một trung tâm logistics hạng II (ở phía nam), quy mô từ 20 đến 50 ha. Các trung tâm này kết nối các cảng cạn, cảng biển (như Hải Phòng, Hòn Gai, Cái Lân) và các cảng hàng không, bến xe, nhà ga, các khu công nghiệp... Đồng thời, xây dựng một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hoặc có đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến cảng hàng không. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của TP Hà Nội đạt 9 đến 11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17% đến 21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% đến 65%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14% đến 17% GRDP của thành phố. Đến năm 2025, sẽ đưa vào khai thác một số hạ tầng dịch vụ logistics như hai trung tâm logistics, hai cảng cạn ICD, một cảng thủy công-ten-nơ quốc tế, năm trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng.

Giám đốc Công ty Delta International Trần Đức Nghĩa cho rằng: “Hà Nội cần nhiều trung tâm logistics, nhiều kho hàng, bến bãi hơn. Nhưng quan trọng nhất là tính liên kết của các yếu tố trong chuỗi logistics, nhất là kết nối các phương thức vận tải, các chủ thể hoạt động để giảm chi phí logistics và giúp hoạt động này trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Thí dụ, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, lượng hàng hai chiều trên cùng một tuyến vận tải khá cân bằng. Như vậy, nếu có một trung tâm logistics ở cả hai đầu Hà Nội - Hải Phòng sẽ loại bỏ đi một cách căn bản xe “chạy rỗng” trên đường, giúp giảm chi phí đáng kể”.

Ông Nguyễn Tương, cố vấn cao cấp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định: Hà Nội có đủ điều kiện phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước. Để làm được việc này, thành phố cần có chính sách cụ thể hóa luật pháp và quyết định của Chính phủ về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng logistics, kêu gọi được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Một sự đánh giá và quan tâm đúng mức của thành phố, cộng đồng doanh nghiệp sẽ thúc đẩy dịch vụ này phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.