Chương trình số 03-CTr/TU:

Phát triển đô thị và kinh tế đô thị

NDO -

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.

Phát triển đô thị và kinh tế đô thị

Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh, đồng thời với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, khu vực phố cổ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%; diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn… Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều và tương xứng với tiềm năng; tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao; việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn nhiều vướng mắc, triển khai chậm…

Kế thừa thành tựu này, nhằm bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển, Chương trình số 03-CTr/TU đã đề ra mục tiêu tổng quát là: Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô.

Để thực hiện mục tiêu xuyên suốt nêu trên, Chương trình số 03-CTr/TU đã đề ra sáu nhiệm vụ, gồm:

Triển khai thực hiện Quy hoạch TP Hà Nội; rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị và các quy hoạch chuyên ngành; bảo đảm công tác quy hoạch đi trước một bước, triển khai thực hiện đồng bộ Quy hoạch thành phố Hà Nội; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô điều chỉnh; Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử...

Tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ; huy động nguồn lực phát triển các không gian ngầm công cộng tại khu vực nội đô lịch sử; hoàn thành phê duyệt danh mục và triển khai thực hiện theo lộ trình cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch, cơ sở sản xuất công nghiệp...

Phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông khu vực đô thị lên khoảng 12-15% diện tích đất đô thị; phát triển nhanh hạ tầng giao thông, các trục giao thông song hành kết nối đô thị trung tâm - đô thị vệ tinh; phát triển hệ thống đường vành đai, đường hướng tâm, các cầu qua sông, các tuyến quốc lộ, các tuyến đường sắt đô thị…

Hoàn thành xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành xây dựng, phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị phục vụ phát triển kinh tế đô thị; triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/ QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng năm huyện đến năm 2025 trở thành quận...

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương và văn minh đô thị. Khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông - Nam Á.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, Chương trình số 03-CTr/TU đã nêu rõ sáu giải pháp trọng tâm sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Một là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, như: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ; xây dựng Đề án phát triển kinh tế đô thị; ban hành quy định về phát triển kinh tế ban đêm...

Hai là, khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, chú trọng đầu tư phát triển chiều sâu; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Ba là, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang, phát triển đô thị và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và kiện toàn bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nội dung của chương trình.

Sáu là, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị.