Phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, 5 năm qua, TP Hà Nội đã tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu gặt hái thành công, tạo tiền đề quan trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong những năm tới.

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: BÁ HOẠT
Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: BÁ HOẠT

Hợp tác xã (HTX) rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã áp dụng kỹ thuật mới trong các bước làm đất, gieo trồng, chăm sóc các loại rau hữu cơ. HTX không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, mà chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ và men vi sinh. Trên diện tích hơn 5 ha đất, HTX đầu tư khoảng 8.000 m2 nhà màng, nhà lưới để trồng các loại rau hữu cơ có giá trị kinh tế cao như cà chua bi đỏ, cà chua bi vàng, rau cải, rau dền, bông hẹ... Hệ thống nhà màng không lên luống, mà để đất bằng phẳng. Sau mỗi vụ thu hoạch, đất sản xuất được xử lý nấm, sâu bệnh bằng phương pháp dùng khí ga, đèn khò để đốt bề mặt, nhưng vẫn giữ được hệ sinh thái có lợi trong lòng đất, sau đó trộn với phân hữu cơ hoai mục để tăng nguồn dinh dưỡng. Còn để diệt sâu bọ, HTX sử dụng thuốc hữu cơ bằng cách phối trộn đường, sữa, men vi sinh, ngâm ủ trong hai tuần, sau đó phun cho rau. Thuốc hữu cơ tuy không có tác dụng ngay lập tức, nhưng làm sâu bọ ngưng không ăn và yếu, chết dần sau đó. Ngoài ra, hệ thống nhà màng, nhà lưới có thiết kế thông gió bên hông, tưới nước tự động và hệ thống bẫy côn trùng ở bốn góc mái. Toàn bộ hạt giống được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và việc gieo hạt được thực hiện bằng máy, sau đó “đóng cửa trại” hoàn toàn. Cây trồng sinh trưởng tự nhiên, không cần phải mở cửa các nhà màng, nhà lưới cho đến ngày thu hoạch.

Giám đốc HTX rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý Đặng Thị Cuối chia sẻ: Nhờ áp dụng phương pháp canh tác theo công nghệ cao của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), toàn bộ quy trình sản xuất các loại rau hữu cơ không sử dụng thuốc và phân bón hóa học, hạn chế nhân công lao động. Việc trồng rau trong nhà màng không chỉ hạn chế các tác động bất lợi của thời tiết, mang lại năng suất cao, mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm luôn ổn định, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, các sản phẩm của HTX cung cấp thường xuyên cho các trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Đan Phượng và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị và một số chung cư lớn, với giá cả ổn định. Việc áp dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất tuy vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 150 triệu đồng/sào, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, ổn định, gấp khoảng ba lần so với gieo trồng theo phương pháp truyền thống. Thời gian tới, HTX tiếp tục chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại này cho nông dân, với mong muốn cùng nhau phát triển sản xuất, làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.

Đây chỉ là một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của TP Hà Nội. Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 160 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó huyện Mê Linh và huyện Gia Lâm, mỗi huyện  có 19 mô hình, huyện Thường Tín có 16 mô hình, huyện Đan Phượng có 15 mô hình… Một số mô hình nổi bật như: Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức); mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm); hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì)… Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định: Việc triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội đã nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần gia tăng giá trị ngành nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 bình quân gần 2,5%. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ cao, cùng với đưa các giống mới chất lượng vào sản xuất cũng giúp phát triển hơn 140 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Thủ đô. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân, giúp người dân yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, làm giàu trên đồng đất quê hương.

Mới đây, tại hội nghị giao ban công tác quý III năm 2020, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và triển khai nhiệm vụ ba tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Ngô Thị Thanh Hằng đã biểu dương kết quả đạt được của ngành nông nghiệp thời gian qua, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp không được bằng lòng với kết quả đạt được mà cần tiếp tục phát huy lợi thế, đặc thù của Thủ đô, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai và khoa học công nghệ. Ngành nông nghiệp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2025 từ 50% trở lên, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân, phát triển khu vực ngoại thành Hà Nội ngày càng hiện đại, trù phú.