Phát huy vai trò cộng đồng trong bảo tồn di sản

Di sản thuộc về cộng đồng, và cộng đồng cũng luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn. Tuy nhiên, các dự án huy động vốn xã hội hóa từ cộng đồng thường xảy ra sai phạm; cộng đồng nắm vai trò quyết định trong sự tồn vong của di sản phi vật thể, nhưng nhiều di sản phi vật thể bị biến tướng, hoặc có nguy cơ mai một. Bởi vậy, Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội" do UBND thành phố Hà Nội phối hợp Hội Khoa học Lịch sử tổ chức, đã tập trung vào vấn đề làm thế nào để phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản.

Phiên chợ nón làng Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai, TP Hà Nội. Ảnh: HƯƠNG MAI
Phiên chợ nón làng Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai, TP Hà Nội. Ảnh: HƯƠNG MAI

Phần lớn kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô đều thuộc về cộng đồng. Một số di tích, vốn thuộc về các vương triều, hay quan lại trong các triều đại phong kiến, nhưng cùng với những biến đổi, đã thuộc "quyền sở hữu" của một cộng đồng nhất định, chủ yếu là của làng, xã, dù đó là đình, chùa hay đền, miếu. Rất ít di sản do Nhà nước sở hữu và trực tiếp quản lý. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các di sản văn hóa phi vật thể. Chủ nhân của những lễ hội, những tri thức dân gian... đều là những cộng đồng làng, xã cụ thể. Thời gian qua, cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Từ năm 2010 đến 2012, cộng đồng đã đóng góp 1.170 tỷ đồng để tu bổ 675 di tích. Riêng năm 2015, thành phố Hà Nội tu bổ được hơn 100 di tích với kinh phí 445 tỷ đồng, trong đó kinh phí huy động từ xã hội hóa chiếm tới hơn 86%. Chưa kể, phần lớn đình, đền, miếu đều do người dân tự phân công quản lý, chăm sóc. Điều này khẳng định vai trò to lớn của cộng đồng trong bảo tồn di tích. Đối với văn hóa phi vật thể, chính nhờ cộng đồng dân cư gìn giữ qua bao thế hệ mà nay, chúng ta mới có Hội Gióng (huyện Gia Lâm và huyện Sóc Sơn), hội kéo co ngồi ở Thạch Bàn (quận Long Biên), hội kéo mỏ Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; mới có hội Lệ Mật, hội đền Hát Môn... được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng di tích bị biến dạng luôn là vấn đề nổi cộm trong công tác tu bổ. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song những di tích huy động vốn xã hội hóa lớn thường bị thay đổi, sai lệch trong quá trình tu bổ nhiều hơn. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, "bàn tay" của các nhà hảo tâm can thiệp quá nhiều vào công tác tu bổ. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, nhiều lễ hội đang bị biến tướng; không ít phong tục, tập quán có nguy cơ mai một; nhiều lễ hội, chính quyền lại đang làm thay cộng đồng, biến cộng đồng thành khách mời... Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cho biết: Một trong những vấn đề cơ bản nhất chính là nhận thức của cán bộ và nhân dân. Di sản ban đầu là của làng, xã, nhưng nay được coi là của toàn dân, của Nhà nước. Làng, xã không còn là chủ thể đích thực nữa, cho nên dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm, không có người chăm lo công việc hằng ngày. Di sản là "của chung", cho nên trong cộng đồng vẫn còn phổ biến quan niệm "cha chung không ai khóc", "lắm sãi không ai đóng cửa chùa". Cùng với đó, cộng đồng địa phương thiếu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, vì vậy nhiều khi họ tiến hành tu sửa di tích lại gây thiệt hại, nhiều hoạt động không đúng quy trình, làm thay đổi giá trị gốc của di sản.

Một trong những thí dụ điển hình của việc thiếu kiến thức và kỹ năng dẫn đến sai phạm trong tu bổ là đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) khi bị bê-tông hóa một cách triệt để. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, ở một số địa phương, tình trạng cán bộ phải "phân bổ" cho các xóm, các họ cử người tham gia các nghi lễ rước văn, rước kiệu, các màn tế lễ... là rất phổ biến, do người nọ đùn đẩy người kia. Ngay tại hội đình Trường Lâm (được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017), nơi có màn múa "lột rắn" nổi tiếng, có thời gian phải vất vả Ban Tổ chức lễ hội mới vận động được giới trẻ tham gia múa "lột rắn". Do khó khăn trong công tác nhân sự, Ban Tổ chức đành phải "nới" quy định về độ tuổi thanh niên tham gia.

Theo nhiều nhà khoa học, cộng đồng đóng vai trò chủ thể của di sản. Trong quá khứ, cộng đồng đã từng tự vận hành, quản lý di sản. Nhưng việc vận hành, quản lý hiện tại phải tuân theo các quy định pháp luật về di sản, các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Để cộng đồng có thể "làm chủ", cần có sự hướng dẫn của cán bộ quản lý. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho công tác quản lý chưa đáp ứng nhu cầu. Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Trụ, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, với hệ thống di sản đồ sộ, gồm hơn 5.900 di tích và gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cần quan tâm đào tạo nhân lực nói chung, nhân lực chất lượng cao nói riêng để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Song song với đào tạo, phải tập trung bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cán bộ. Tạo tiền đề để cán bộ là những người "dẫn dắt" cộng đồng thực hiện tốt chức năng chủ thể của mình. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền Luật Di sản tốt hơn nữa, các văn bản liên quan đến công tác bảo tồn di sản để cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức, để không xảy ra tình trạng phá hoại di sản. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: "Chúng ta cần xây dựng một mô hình quản lý để phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trong mô hình này, các nhà quản lý đóng vai trò định hướng, tạo môi trường để cộng đồng địa phương tham gia một cách trực tiếp vào hoạt động bảo tồn, bảo quản, tổ chức các sự kiện liên quan đến di tích. Chỉ khi bảo đảm được lợi ích của cộng đồng địa phương nơi sở hữu di sản, lợi ích của Nhà nước thì di sản mới trở thành động lực phát triển, mới được bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài".