Phát huy giá trị lịch sử của di tích Gò Đống Đa

Di tích lịch sử Gò Đống Đa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12-2018, nhân dịp kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2019).

Lễ hội truyền thống kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra mồng 5 Tết hằng năm.
Lễ hội truyền thống kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra mồng 5 Tết hằng năm.

Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa” do UBND quận Đống Đa phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức ngày 10-12 một lần nữa khẳng định các giá trị lịch sử - văn hóa của khu di tích đặc biệt này và nêu những giải pháp phát huy giá trị của di tích trong sự phát triển của du lịch Thủ đô.

Niềm tự hào về chiến thắng lịch sử

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu (1789) là một trong những chiến công vĩ đại và hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Từ đêm mồng 4, rạng sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, khi mũi tiến công chính ở hướng nam bắt đầu công kích đồn Ngọc Hồi, một cánh quân mạnh khác của quân Tây Sơn do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy, đã bất ngờ đột kích tiêu diệt đồn Khương Thượng. Đòn tấn công này như một mũi lao đầy uy lực phóng thẳng tới đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị đang ở gần bến Tây Long (khu vực Nhà hát Lớn hiện nay). Trận tập kích Đống Đa - Khương Thượng có ý nghĩa quan trọng quyết định đến thắng lợi chung, nhanh chóng phá vỡ thế trận phòng ngự của địch, làm chúng hoảng loạn tan vỡ và tháo chạy. Thăng Long được giải phóng sớm hai ngày so với lời hẹn của vua Quang Trung.

Cách tổ chức lực lượng hành quân thần tốc và bí mật, chọn hướng tấn công bất ngờ, công kích mãnh liệt, gây rối loạn đội hình địch và giành thắng lợi nhanh chóng là những nét khắc sâu trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, ghi tên tuổi, sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung trong lịch sử dân tộc. Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa đã trở thành biểu tượng của truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường, thể hiện sáng rõ trí tuệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam “xuất kỳ bất ý, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”.

Mỗi người Việt Nam đều nhớ và tự hào với chiến thắng Đống Đa. Hằng năm, vào mồng 5 Tết, tại Gò Đống Đa vẫn tưng bừng lễ hội truyền thống. Trảy hội Đống Đa đã trở thành nét đẹp của người dân sinh sống ở Hà Nội trong niềm thành kính tưởng nhớ võ công - văn đức của các anh hùng dân tộc.

Những định hướng phát triển

Để di tích Gò Đống Đa trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, xứng tầm là Di tích quốc gia đặc biệt còn nhiều công việc cần làm. Tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa”, đại diện chính quyền và các ban, ngành quận Đống Đa đã thống nhất với các nhà khoa học, khẳng định tuân thủ nguyên tắc chung: Bảo tồn phải hài hòa với phát triển và phát triển phải bền vững trên nền tảng văn hóa, vì lợi ích cộng đồng và cho các thế hệ mai sau. Quận sẽ huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích các tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài nước đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Gò Đống Đa.

Trong tương lai gần, quận Đống Đa sẽ triển khai Quy hoạch tổng thể làm cơ sở pháp lý cho các dự án tu bổ, tôn tạo, xây dựng mới những công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động của di tích và khách tham quan. Ngành du lịch cần xúc tiến đầu tư cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và con người, xây dựng hạ tầng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng, kết nối tuyến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Gò Đống Đa - Chùa Bộc...

Trong tầm nhìn dài hạn, cần đa dạng hóa và sinh động hóa những hoạt động tại khu di tích. Ngoài việc tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm một cách trang trọng và hào hùng, nơi đây nên tạo thành một không gian diễn giải “ký ức lịch sử” một cách sáng tạo và truyền cảm hứng lịch sử cho thế hệ trẻ và khách tham quan....

GS, TSKH Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, đề xuất phương án tổ chức Bảo tàng Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với cách trưng bày, thuyết trình hiện đại có thể tái hiện đầy đủ và chân thực lịch sử hơn 230 năm trước. Để có một trưng bày như vậy cần khảo cứu đầy đủ, có hệ thống, xây dựng hồ sơ khoa học cho các điểm di tích bổ trợ cùng với việc tích cực nghiên cứu, điều tra, sưu tầm bổ sung thêm các tư liệu, hiện vật từ các ngành khảo cổ học, Hán Nôm về lịch sử, văn hóa, cả tư liệu dân gian, di sản văn hóa phi vật thể... của vùng đất quận Đống Đa qua các thời kỳ. Các chuyên gia còn đưa ra ý kiến: Nên nghiên cứu, phục dựng lại miếu Trung Liệt là nơi thờ phụng, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Thăng Long - Hà Nội, cho đất nước.