Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hà Nội hiện có 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðó đều là những di sản thể hiện những nét đặc sắc nhất của Thăng Long - Hà Nội. Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp các địa phương thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị. Qua đó, nét đẹp của những di sản này được quảng bá rộng rãi, nhiều di sản đã trở thành sản phẩm du lịch, đem lại lợi ích kinh tế cho các địa phương.

Múa hát Ải Lao được khôi phục hoàn thiện cùng với việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Múa hát Ải Lao được khôi phục hoàn thiện cùng với việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đầu năm 2019, lễ hội làng Triều Khúc và nghề cốm Mễ Trì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với sự kiện này, Thủ đô Hà Nội đã có 18 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đứng đầu cả nước. Ðây chính là những di sản quý báu nhất, thể hiện những nét tinh túy nhất trong tổng số 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, bao quát nhiều lĩnh vực như: Lễ hội, tri thức dân gian, di sản truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội... Trong 18 di sản được đưa vào danh mục, chiếm số lượng lớn nhất là loại hình lễ hội, với 11 di sản; tiếp đó là các nghi lễ và tập quán xã hội, với những nghi lễ, tập quán nổi bật như: kéo co ngồi (đền Trấn Vũ, quận Long Biên), kéo mỏ (đền Vua Bà, huyện Sóc Sơn), hát và múa Ải Lao (thôn Hội Xá, quận Long Biên), tục thờ Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì. Nghệ thuật trình diễn có ca trù và và nghề truyền thống có nghề cốm ở Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: "Hà Nội còn rất nhiều di sản đủ tầm để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Khi xây dựng hồ sơ, chúng tôi ưu tiên những di sản có giá trị độc đáo, những di sản mà cộng đồng tâm huyết gìn giữ, bảo tồn. Vì thế, không phải cứ làng nghề to, lễ hội lớn mà được công nhận. Sau khi được công nhận, cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp địa phương xây dựng các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị. Ðến thời điểm hiện tại, tất cả 18 di sản đều được bảo tồn, phát huy giá trị tốt. Trong đó, một số di sản đã trở thành sản phẩm du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương".

Do 18 di sản nằm rải rác ở các địa phương, đồng thời lại thuộc nhiều loại hình khác nhau, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các địa phương xây dựng nhiều biện pháp bảo tồn khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế. Hát và múa Ải Lao là một thí dụ đặc biệt. Nghi lễ này vốn được người dân Hội Xá đem sang trình diễn tại hội Gióng làng Phù Ðổng (huyện Gia Lâm). Nhận thấy có những giá trị độc đáo riêng, các nhà nghiên cứu và quản lý đã vào cuộc. Theo truyền thuyết dân gian, Thánh Gióng đi đánh giặc có cả trẻ chăn trâu, người đánh cá đi theo. Sau khi thắng giặc, Thánh Gióng bay về trời, khiến người mẹ rất buồn bã. Nhà vua hứa trọng thưởng cho người làm bà vui cười trở lại nhưng không ai làm được. Khi trẻ chăn trâu làng Hội Xá sang múa hát (gọi là múa hát Ải Lao), bà bật cười. Từ đó, nhà vua lệnh cho tổng Phù Ðổng khi tổ chức Hội Gióng, phải mời phường Ải Lao ở Hội Xá sang biểu diễn. Hát, múa Ải Lao là hệ thống nghi lễ phức tạp, với hàng chục bài hát khác nhau. Các động tác vũ đạo cũng tuân thủ những quy luật chặt chẽ. Các màn múa thể hiện các tầng lớp khác nhau theo Thánh Gióng đánh giặc còn có ý nghĩa đoàn kết cộng đồng. Trong quá trình lập hồ sơ di sản, các nhà khoa học nhận thấy người dân đã không còn nhớ lời một số bài hát, trong khi vẫn còn nhiều tài liệu khoa học về hát, múa Ải Lao. Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp các nhà khoa học, chính quyền địa phương kết hợp kiến thức của người dân với tài liệu khoa học, chỉnh lý, hoàn thiện lại múa, hát Ải Lao rồi dạy lại cho chính người dân nơi đây. Nhờ vậy, một số bài hát, động tác múa tưởng chừng bị mất, hay bị thay đổi đã được khôi phục gần với nguyên gốc nhất.

Ðối với ca trù - một di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, tại Hà Nội, liên tục trong những năm qua, thành phố có nhiều biện pháp hỗ trợ cho các giáo phường, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn. Một trong những hoạt động nổi bật nhất của công tác bảo tồn ca trù là việc tư liệu hóa toàn bộ các thể cách, các bài hát, tri thức của các câu lạc bộ, các giáo phường trên địa bàn bằng cả ghi âm, ghi hình. Ðây là biện pháp "phòng xa", khi nhiều nghệ nhân ca trù đã cao tuổi. Với kho dữ liệu đồ sộ hiện có, thế hệ sau này vẫn có cơ sở để học hỏi, khôi phục. Hà Nội hiện có nhiều câu lạc bộ, giáo phường ca trù hoạt động tốt như: Giáo phường Ca trù Thăng Long, Giáo phường Ca trù Lỗ Khê, Giáo phường Ca trù Thái Hà, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội…, chưa kể nhiều nhóm ca trù khác với hàng trăm nghệ nhân. Tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018 tổ chức tại Hà Tĩnh, đoàn Hà Nội đoạt bảy giải cá nhân, giành giải nhất toàn đoàn. Hà Nội cũng là đoàn duy nhất tham dự ở tất cả các nội dung thi của Liên hoan Ca trù.

Ðối với loại hình lễ hội, nghi lễ các lễ hội được đưa vào danh mục đều được bảo tồn tốt hơn, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của cộng đồng. Trong đó, một số lễ hội, nghi lễ đã từng bước trở thành những sản phẩm du lịch như: Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì, lễ hội Thánh Gióng (ở Sóc Sơn và Gia Lâm), lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)…, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn khách hành hương. Với tục thờ Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì, huyện Ba Vì đã có cách làm hay là kết hợp tổ chức ngày khai hội đền Hạ (một trong những nơi chính thờ Tản Viên Sơn Thánh tại xã Minh Quang) làm ngày khai mạc Năm Du lịch Ba Vì. Mặc dù vậy, di sản văn hóa phi vật thể là những di sản "động", luôn gắn với hoạt động của cộng đồng, của nghệ nhân, luôn có nguy cơ biến đổi, nhất là với lễ hội. Lễ hội đền Sóc từng xảy ra tình trạng lộn xộn do cướp lộc. Bởi vậy, theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, để bảo tồn, phát huy giá trị của những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn, rất cần sự nỗ lực hơn nữa của chính quyền địa phương, đồng thời kết hợp việc kiểm tra, giám sát của ngành văn hóa nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ biến đổi di sản.