Phấn đấu hoàn thành Nhà máy nước mặt sông Đuống đúng tiến độ

Với mục tiêu chính thức đi vào hoạt động đúng dịp Kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2018), công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống đang trong giai đoạn thi công nước rút, phấn đấu về đích đúng tiến độ.

Thi công hạng mục công trình thu nước tại Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Thi công hạng mục công trình thu nước tại Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Những ngày này, không khí làm việc trên công trường Nhà máy nước mặt sông Đuống đang rất khẩn trương, tích cực. Các cán bộ, công nhân gấp rút hoàn thành những hạng mục thi công cuối cùng, đồng thời khẩn trương lắp đặt trang thiết bị máy móc, phấn đấu sẽ vận hành thử trong tháng 9, đưa nhà máy vào hoạt động chính thức từ ngày 10-10.

Theo đại diện Ban quản lý dự án, nhà máy gồm các hợp phần chính là công trình thu, trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng, Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76 km phân bố trên các quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực phụ cận. Nhà máy được khởi công xây dựng tháng 3-2017, với công suất lớn, được phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn I hoàn thành vào tháng 10-2018 với công suất 150 nghìn m3/ngày đêm, giai đoạn II hoàn thành vào năm 2020 có công suất 300 nghìn m3/ngày đêm. Dự án sẽ mở rộng, nâng công suất đạt 600 nghìn m3/ngày đêm vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy mô công suất 900 nghìn m3/ngày đêm. Đây là nhà máy hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn châu Âu, với quy trình xử lý khép kín và không có nước thải ra môi trường. Ông Tạ Đức Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty AquaOne nhà đầu tư chiến lược dự án, cho biết, khó khăn mà Nhà máy nước mặt sông Đuống phải đối mặt là chi phí đối với việc khai thác, xử lý nước mặt lớn, nhưng bù lại nguồn cung ổn định, bền vững. Để thực hiện dự án, đòi hỏi nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ cao, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính lớn, nhưng giá thành sản phẩm lại phải cạnh tranh, không cao hơn so với giá khai thác nước ngầm. Vì thế, nhà đầu tư đã xác định chấp nhận kéo dài thời gian thu hồi vốn, thậm chí chấp nhận thua lỗ thời gian đầu để người dân Thủ đô được sử dụng nguồn nước sạch chất lượng.

Ngoài ra, do vừa thi công xây dựng nhà máy, vừa phải thực hiện lắp đặt hệ thống đường ống trải dài trên địa bàn nhiều quận, huyện, cho nên việc thi công đã làm ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của người dân. Đại diện UBND huyện Gia Lâm cho biết, nhà máy chiếm diện tích đất rất lớn, quá trình thi công tập trung nhiều phương tiện, máy móc, đã ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, người dân đã chia sẻ khó khăn, ủng hộ và hợp tác tích cực với chính quyền và nhà máy, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Người dân mong muốn nhà máy đi vào hoạt động đúng tiến độ, cung cấp nguồn nước sạch cho các hộ gia đình trong huyện và bổ sung nguồn nước vào hệ thống cung cấp nước sạch chung của thành phố. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, thực hiện dự án đúng cam kết.

Đại diện UBND huyện Gia Lâm cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn huyện còn bốn xã, gồm Trung Mầu, Lệ Chi, Kim Sơn và Văn Đức chưa có nguồn cấp nước sạch, không chỉ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân mà còn cản bước tiến về đích huyện nông thôn mới. Vì thế, khi Nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động, tiêu chí nước sạch nông thôn sẽ hoàn thành, mục tiêu phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào cuối năm nay càng thuận lợi hơn.

Giám đốc dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống Đỗ Văn Định cho biết, khi hoàn thành nhà máy sẽ cung cấp nước sạch cho địa bàn phía đông bắc thành phố, bao gồm quận Long Biên, các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn; khu vực phía nam thành phố gồm quận Hoàng Mai, các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên và một số khu vực phụ cận thuộc tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn 01/2009 của Bộ Y tế, có thể uống trực tiếp tại nhà máy, được quản lý, theo dõi chất lượng đến tận điểm đấu nối với hệ thống cung cấp nước của các đơn vị kinh doanh khác hoặc tận vòi của các hộ dân. Cụ thể, đối với những địa bàn do đơn vị trực tiếp lắp đặt hệ thống đường ống cung cấp nước sạch đến hộ gia đình, người dân có thể yên tâm uống nước tại vòi. Các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Gia Lâm, tỉnh Hưng Yên đã được giải quyết. Đơn vị đang đẩy mạnh thi công và đến nay công tác xây dựng nhà máy đã đạt khoảng 95% khối lượng công việc. Đơn vị đã lắp đặt khoảng 75% khối lượng máy móc, thiết bị, phấn đấu hoàn thành lắp đặt thiết bị máy móc trong tháng 9 để vận hành thử và đưa nhà máy hoạt động chính thức từ ngày 10-10. Đơn vị cam kết hoàn thành công tác lắp đặt, đưa nhà máy hoạt động đúng thời hạn.

Thời gian từ nay đến ngày 10-10 không còn nhiều, khối lượng công việc còn lớn, nhưng với quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, công nhân Nhà máy nước mặt sông Đuống, hy vọng dự án sẽ về đích đúng tiến độ, góp phần quan trọng vào kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước sạch của thành phố.