Ðổi thay ở vùng ngoại thành phía tây Thủ đô

Từ khu vực có nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, kinh tế kém phát triển, sau mười năm sáp nhập về Hà Nội, khu vực ngoại thành phía tây Hà Nội có sự đổi thay lớn. Hạ tầng cơ sở khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.

Trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Ảnh: NGỌC ÁNH
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Ảnh: NGỌC ÁNH

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, ngày 1-8-2008, bốn xã miền núi Ðông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) sáp nhập vào huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai (Hà Nội). Thời điểm đó, kinh tế - xã hội của các xã này rất khó khăn, hệ thống giao thông phần lớn là đường đất, mương máng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa chủ yếu là nhà cấp 4 đã xuống cấp. Hệ thống điện do người dân tự đóng góp xây dựng cho nên chất lượng thấp, không ổn định, có thôn không có điện. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật, vì vậy, năng suất, sản lượng không cao. Thu nhập bình quân đầu người dưới mười triệu đồng/năm.

Sau mười năm sáp nhập, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho bốn xã miền núi để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết, xã được thành phố hỗ trợ xây dựng các trường học; thay thế trạm biến áp, hệ thống đường điện hạ thế, xây dựng tám tuyến đường giao thông nông thôn, hai tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã; làm mới Nhà văn hóa trung tâm xã, trụ sở Ðảng ủy, HÐND, UBND xã; nạo vét, kè hai hồ thủy lợi và xây dựng sáu công trình mương, tổng giá trị hơn 250 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế đồng bào dân tộc được triển khai hiệu quả, như tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa và cây màu, hỗ trợ kỹ thuật, cây, con giống, phân bón khi người dân chuyển đổi vườn tạp sang trồng bưởi, thanh long ruột đỏ, rau an toàn, rau hữu cơ, phát triển kinh tế đồi rừng, mở mang trang trại chăn nuôi. Mở gần 50 lớp dạy nghề, qua đó giải quyết việc làm cho hơn 720 lao động. Hằng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội dành hơn 10 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh... Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã khởi sắc. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao, đạt bình quân mỗi năm 180 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2017 đạt 42 triệu đồng/năm, trong khi năm 2007 mới chỉ đạt chín triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2007 xuống còn 2,06%. Năm 2015, xã Yên Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ðánh giá kết quả sau mười năm mở rộng địa giới hành chính của huyện Thạch Thất nói chung, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Doãn Hoàn khẳng định, bên cạnh sự hỗ trợ to lớn của thành phố, nhân dân Thạch Thất đã chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống đoàn kết xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh. Kinh tế phát triển ổn định, đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm, gấp 4,5 lần năm 2007. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng ngày càng đi vào nền nếp. Công tác giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh, đáp ứng kịp thời tiến độ các dự án. Ðáng chú ý, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã triển khai hơn 1.500 dự án,
với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân đóng góp gần 2.100 tỷ đồng. Ðến nay, toàn bộ 21 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với huyện Thạch Thất, diện mạo huyện Quốc Oai trong thời gian qua cũng thay đổi từng ngày. Hệ thống hạ tầng khung như đường 421B, đường trục chính bắc - nam đô thị Quốc Oai, đường Trại Cá - Phú Cát, đường Ngọc Liệp, đoạn từ đại lộ Thăng Long đi Cấn Hữu; các công trình cấp bách phục vụ sản xuất nông nghiệp như tuyến đê bối sông Tích, hệ thống thủy lợi... được tập trung đầu tư. Tổng nguồn vốn đầu tư gần 5.300 tỷ đồng. Trong xây dựng nông thôn mới, Quốc Oai đã cải tạo, nâng cấp gần 100 km đường giao thông liên xã, hơn 124 km đường trục thôn xóm, hơn 60 km đường giao thông nội đồng. Hoàn thành dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch vùng sản xuất, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, hoàn chỉnh hơn 560 km kênh, mương nội đồng, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Ðạt Thuyên cho biết, thành tích đáng tự hào của huyện trong mười năm qua là công tác xây dựng nông thôn mới. Mặc dù giai đoạn đầu hơi chậm, nhưng nhờ sự đoàn kết, thống nhất của Ðảng bộ, chính quyền và người dân, đã đưa Quốc Oai từ huyện ở nhóm cuối trong xây dựng nông thôn mới, vươn lên tốp đầu. Ðến cuối năm 2017, toàn bộ 16 xã của Quốc Oai đã về đích nông thôn mới, sớm hơn ba năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đề ra, gắn với việc xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị sinh thái theo quy hoạch. Ðây là tiền đề quan trọng để huyện tự tin phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực ngoại thành phía tây Hà Nội còn không ít hạn chế. Ðó là sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm thế mạnh. Sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề manh mún, gây ô nhiễm môi trường. Công tác
quản lý đất đai, trật tự xây dựng chưa chặt chẽ... Ðây cũng là những công việc chính các địa phương cần khắc phục trong thời gian tới để xây dựng khu vực ngoại thành phía tây Thủ đô ngày càng khang trang, giàu đẹp.