Ðổi mới cách tổ chức hoạt động văn hóa

Ðổi mới cách tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân, phát huy kho báu di sản, đưa di sản đến với cộng đồng, qua đó, thúc đẩy du lịch phát triển là kết quả nổi bật trong các hoạt động văn hÓA của thành phố Hà Nội năm 2018. Hầu hết các sự kiện văn hóa lớn, các buổi biểu diễn nghệ thuật đều thực hiện theo hình thức xã hội hóa, qua đó, thực hiện tốt việc phát triển văn hóa, đồng thời, tiết kiệm ngân sách của thành phố.

Khách tham dự Lễ hội Văn hóa ẩm thực 2018.
Khách tham dự Lễ hội Văn hóa ẩm thực 2018.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức Lễ hội bơi chải thuyền rồng hồ Tây năm 2019, dự kiến, diễn ra ngay sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Ðộng cho biết: "Sau thành công của Lễ hội bơi chải thuyền rồng lần thứ nhất năm 2018, sắp tới, quy mô của lễ hội sẽ được mở rộng hơn. Tính đến thời điểm này, đã có sáu quốc gia và sáu tỉnh, thành phố đăng ký tham gia tranh tài với các đội của Hà Nội. Lễ hội sẽ là ngày hội lớn đối với người dân Thủ đô và khách du lịch".

Nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi sông Hồng và nhiều con sông khác chảy qua, yếu tố sông nước ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa Hà Nội. Trên địa bàn thành phố có nhiều địa phương có đội đua thuyền rồng hoạt động mạnh như: Hoàng Mai, Mỹ Ðức, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Phúc Thọ..., có các lễ hội đua thuyền ở làng Yên Duyên (Yên Sở, quận Hoàng Mai), làng Ðăm (Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm)... Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã quyết định cho ra đời một lễ hội mới, trên cơ sở phát huy truyền thống đua thuyền của thành phố. Lễ hội bơi chải thuyền rồng đầu tiên tổ chức vào tháng 2-2018 đã thu hút 27 đội với 400 vận động viên tham gia, với hai nội dung chính là đua thuyền tiêu chuẩn (12 người) và đua thuyền truyền thống (14 người). Ðường đua được tổ chức trên hồ Tây, phía đường Thanh Niên, tạo điều kiện thuận lợi cho khán giả theo dõi các màn đua tranh quyết liệt của các đội đua. Không chỉ thế, việc tổ chức Lễ hội bơi chải thuyền rồng hồ Tây thành hoạt động hằng năm còn tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Thủ đô.

Ðổi mới cách tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao mức độ hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phát huy kho báu di sản, đưa di sản đến với cộng đồng, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển là điểm nổi bật trong các hoạt động văn hóa của thành phố Hà Nội năm 2018. Lễ hội bơi chải thuyền rồng trên hồ Tây là một trong số đó. Trong lần thứ hai tổ chức, Lễ hội bơi chải thuyền rồng 2019 sẽ diễn ra trong hai ngày. Tương tự, Lễ hội đường phố "Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng" tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là một cuộc diễu hành "biểu dương" nét đẹp văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Ðoài từ truyền thống đến hiện đại với sự tham gia của hơn 5.000 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng. Một điểm nhấn khác là Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội lần thứ nhất 2018, quảng bá nét đặc sắc của ẩm thực Hà Nội, gắn với giới thiệu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội đã thu hút tới 80 nghìn lượt người tham gia - một kỷ lục về số người tham gia một sự kiện văn hóa tại Hà Nội. Ngay trong những ngày diễn ra Lễ hội, nhiều khách tham quan cho rằng, thành phố cần tổ chức thêm nhiều sự kiện văn hóa ở các không gian công cộng. Theo Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, đáp ứng nguyện vọng của người dân, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực trong những năm tiếp theo. Dự kiến, năm 2019, chương trình sẽ có những đổi mới, ngoài giới thiệu ẩm thực truyền thống của Hà Nội, sẽ có thêm không gian dành cho giao lưu văn hóa ẩm thực với các vùng miền trong cả nước.

Năm 2018 cũng đánh dấu số lượng lớn chương trình văn hóa, nghệ thuật được tổ chức tại thành phố. Riêng không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã có tới 162 sự kiện. Các sự kiện không chỉ bó hẹp với các hoạt động văn hóa của Hà Nội, mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa với bảy sự kiện phối hợp các tỉnh, thành phố; 21 sự kiện quốc tế. Thu hút đông đảo khách tham quan nhất có thể kể đến là: Lễ hội Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Ngày châu Âu tại Hà Nội, Ngày Văn hóa Anh, Lễ hội Pháp... Ngành văn hóa còn tích cực phối hợp các quận, huyện để đưa văn hóa về cơ sở. Các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán luôn có các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật ngoài trời để phục vụ nhân dân. Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức tổng cộng 2.876 buổi diễn nghệ thuật, gần 6.000 buổi chiếu phim. Ðáng chú ý, hầu hết các sự kiện văn hóa lớn, các buổi biểu diễn nghệ thuật nêu trên đều được thực hiện dưới hình thức xã hội hóa, phần ngân sách thành phố phải chi trả là không đáng kể.