Trải nghiệm cuối tuần

Ô mai phố cổ

Nói tới những đặc sản phố cổ của người Hà Nội, không thể không nhắc đến các loại ô mai. Ðó không chỉ là món ăn vặt ưa thích của các chị em, mà còn hay được dùng làm món quà mộc mạc, chân tình để người Hà Nội gửi tặng người thân ở phương xa.

Người Hà Nội vẫn luôn nổi tiếng với gu ẩm thực tinh tế. Và món ô mai chính là một phần thể hiện nét tinh tế ấy. Ai đã một lần nếm thử ô mai Hà Nội có lẽ khó có thể quên vị chua ngọt dịu, níu cảm giác nhớ mãi về những con phố cổ. Nếu mua để làm quà cho người thân ở miền nam thì ô mai sấu chắc chắn sẽ làm vui lòng người nhận, vì sấu là thứ quả rất đặc trưng của Hà Nội mà miền nam không có. Bây giờ mua ô mai rất dễ vì có nhiều địa chỉ bán, thậm chí chỉ cần ngồi tại nhà, lên mạng đặt mua cũng được. Nhưng những người Hà Nội sành ăn vẫn cứ phải đến tận nơi, nhìn tận mắt những cửa hàng trưng đủ loại ô mai, mứt, bánh cổ truyền, tuy được bày mộc mạc, mà lại rất hấp dẫn trên phố Hàng Ðường. Ô mai phố Hàng Ðường từ bao đời vẫn nức tiếng gần xa, với nhiều thương hiệu ô mai gia truyền nổi tiếng như: Gia Lợi, Gia Thịnh, Tiến Thịnh, Hồng Lam… Theo các bậc cao niên, ô mai Hàng Ðường có từ đầu thế kỷ 20, trải qua bao thế hệ trao truyền, nhiều gia đình đến nay vẫn giữ và phát huy được nghề. Có gia đình không ngừng phát triển sản xuất trên quy mô lớn, lập chuỗi phân phối sản phẩm, đồng thời đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại, đưa ô mai Hà Nội đến với nhiều người tiêu dùng khắp cả nước. Nhưng Hàng Ðường vẫn luôn là địa chỉ tin cậy mà bất kỳ ai có dịp ghé qua Thủ đô đều muốn mua món quà đặc trưng của đất Hà thành.

Trong số các thương hiệu ô mai ở phố cổ Hà Nội, có một thương hiệu vẫn giữ được bí quyết gia truyền, đó là cửa hàng ô mai Gia Lợi. Thương hiệu này không chỉ nổi tiếng bởi đây là một trong những cửa hàng ô mai lâu đời nhất phố, mà còn là nơi giữ được lối làm thủ công, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, giá cả lại phải chăng. Ông Bùi Văn Hưng - chủ hiệu ô mai Gia Lợi cho biết, gia đình ông làm ô mai từ đầu thế kỷ 20. Ban đầu chủ yếu là làm các loại bánh, mứt, kẹo nổi tiếng thời đó như bánh nướng, bánh dẻo, bánh tai voi, bánh cắt, bánh chả, kẹo nu-ga, kẹo hồng… Ô mai thời đó chỉ là những quả sấu dầm được gọt vỏ trộn với đường, muối, ớt bột…, sau thêm các loại như mơ, mận, khế… Sau Ngày giải phóng Thủ đô (tháng 10-1954), kinh tế khó khăn, nguyên liệu khan hiếm không đủ làm bánh, mứt, kẹo, cho nên ô mai được làm nhiều hơn. Chia sẻ với chúng tôi về quy trình làm ô mai, ông Hưng cho biết, để làm ra được mẻ ô mai ngon phải bảo đảm tất cả các khâu, từ việc lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, đến lúc chế biến... tất cả đều cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Quả dùng làm nguyên liệu phải tươi, không sâu, không hỏng. Cái khó nhất của quá trình làm ô mai nằm ở kỹ thuật chế biến, từ cách xào, gia giảm đường, muối, điều chỉnh nhiệt độ. Thợ làm ô mai phải là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, bên cạnh kỹ thuật giỏi còn một yếu tố rất quan trọng là phải nắm chắc thời tiết. Nếu trời nồm thì để chế biến được một mẻ ô mai sẽ mất nhiều công sức và thời gian hơn và phải phơi, sấy, canh lửa rất cẩn thận, bảo đảm mỗi loại ô mai giữ được hương vị đặc trưng, không lẫn với các sản phẩm khác.

Nếu có dịp thả bộ ở khu phố cổ vào một ngày cuối tuần, du khách hãy dừng chân ở phố Hàng Ðường. Nếm thử một quả ô mai trong không gian ấm cúng của các cửa hàng, bạn sẽ thấy hương thơm, vị chua, cay, mặn, ngọt đặc trưng của ô mai - thứ quà tinh tế của người Hà Nội, như đánh thức mọi vị giác, níu giữ bước chân, đưa ta trở về những kỷ niệm ngày ấu thơ...