Nữ giáo sư đam mê cây thuốc Việt

40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, GS, TS Nguyễn Kim Phi Phụng (62 tuổi) - giảng viên bộ môn Hóa hữu cơ, khoa Hóa học Trường đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh là người duy nhất giành giải cá nhân Giải thưởng Kovalevskaya năm 2016. Trong quá trình làm khoa học của mình, cô luôn trăn trở làm thế nào để “bình dân hóa” thuốc chống ung thư bằng cây thuốc Việt, giúp người bệnh có thể kéo dài cuộc sống, đỡ tốn kém...

GS, TS Nguyễn Kim Phi Phụng (người bên phải) hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hành thí nghiệm.
GS, TS Nguyễn Kim Phi Phụng (người bên phải) hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hành thí nghiệm.

Nói về nghề của mình, GS, TS Phi Phụng dí dỏm: “Nghề đã chọn mình”. Cô kể, tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cô được giữ lại trường làm giảng viên. Trong quá trình vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, cô theo đuổi hướng khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y Việt Nam, đặc biệt là những loài thực vật chưa được trong nước và thế giới khảo sát. Để có được những thành quả nghiên cứu trên, GS Phi Phụng không thể quên chuỗi tháng ngày một mình hoặc cùng học viên đi tìm những cây thuốc mới lạ, chưa được ai nghiên cứu, đặt tên. “Có những lúc khó khăn, bế tắc nhưng tôi quyết tâm không từ bỏ, vì tôi hiểu những công trình nghiên cứu này còn gắn với kết quả nghiên cứu sinh của học viên và có thể giúp được nhiều người bệnh. Vì vậy, tôi phải là cột mốc trụ lại để cho sinh viên bình tâm tiếp tục triển khai” - cô tâm sự. Sau thời gian miệt mài, kết quả các công trình nghiên cứu của cô được hội đồng đánh giá cao, đã đóng góp vào kho tàng cây thuốc Việt Nam, đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học, nhất là lĩnh vực hóa dược, có thể định hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, phục vụ cho nền công nghiệp dược ở Việt Nam và thế giới.

Hiện, cô cùng các học trò đã khảo sát 53 loài thực vật và có được kết quả thực nghiệm về hóa học, hoạt tính sinh học của những loài cây đó. Cô phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên, có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của tế bào ung thư ở người như: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế được các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường, gây nám đen da, bệnh alzheimer… Bên cạnh đó, GS, TS Phi Phụng còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hóa - dược với hơn 32 bài báo quốc tế, hơn 98 bài báo trong nước, chủ trì, tham gia 11 đề tài tiêu chuẩn các cấp, công bố 144 bài báo gửi đăng trên các tạp chí chuyên ngành hóa, viết và xuất bản bảy sách giáo trình phục vụ giảng dạy ĐH, sau ĐH cho Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Cả cuộc đời làm khoa học của mình, điều GS Phụng tự hào nhất là đã hướng dẫn cả trăm sinh viên, nghiên cứu sinh thành công, góp phần tạo nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật cho đất nước. Biết bao thế hệ học trò do cô Phụng hướng dẫn, dìu dắt nay đã trở thành những giảng viên giỏi ở các trường ĐH trên địa bàn thành phố. Cô tâm sự: “Tôi luôn đòi hỏi cao ở học trò của mình, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải giỏi ngoại ngữ. Vì vậy, chúng tôi luôn chú ý tìm cách nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học viên cao học và nghiên cứu sinh bằng cách chủ động khuyến khích viết luận án thạc sĩ và tiến sĩ bằng tiếng Anh. Mặc dù mất thêm thời gian và kinh phí để thẩm định nhưng bù lại, sau này các em sẽ dễ dàng xin học bổng tiến sĩ ở các trường ĐH nước ngoài. Chỉ cần gửi bản luận án thạc sĩ là giáo sư nước ngoài có thể đọc, đánh giá chất lượng của học viên, để đồng ý cấp học bổng cho các em ngay”.

Là người có nhiều công trình nghiên cứu, thế nhưng điều khiến GS Phụng trăn trở là tới thời điểm này vẫn chưa thể triển khai ứng dụng thành sản phẩm ra thị trường. “Tất cả mới dừng ở mức độ nghiên cứu cơ bản. Từ kết quả phòng thí nghiệm tới sản xuất viên thuốc bán trên thị trường sẽ phải mất hai, ba giai đoạn nữa, cùng với đó là vốn đầu tư và công sức lớn. Nguồn dược liệu của nước ta còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá một cách đầy đủ, có hệ thống. Những nghiên cứu của tôi đều về lĩnh vực dược, còn tôi thì lại thuộc chuyên ngành hóa cho nên có lẽ chưa thuyết phục được người ta đầu tư để mang những sản phẩm chống ung thư “bình dân” ra thị trường. Trong khi đó, các công ty dược hiện nay chỉ muốn sản xuất những thứ có sẵn, không muốn đầu tư nhiều vào nghiên cứu...” - nữ giáo sư trải lòng.

Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng, GS, TS Phi Phụng cười hiền lành: “Tôi đam mê nghiên cứu từ khi còn là sinh viên và luôn mong mỏi mình sẽ tạo ra được những sản phẩm có ích cho xã hội chứ không nhằm mục đích trở thành GS, TS, hay nhận được giải thưởng, bằng khen. Do vậy, khi biết tin mình được nhận Giải thưởng Kovalevskaya, tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc, bởi đây là giải thưởng cao quý dành cho phụ nữ đầu tiên tôi nhận được trong cuộc đời làm giảng viên kiêm nghiên cứu khoa học của mình”.

Với những nỗ lực và cống hiến hết mình, GS, TS Nguyễn Kim Phi Phụng đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, Huân chương Lao động hạng ba năm 2011, Nhà giáo Ưu tú năm 2010 và nhiều bằng khen của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.