Nông nghiệp công nghệ cao tạo đà cho nông thôn mới

Nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Với 17 mô hình nông nghiệp CNC, Gia Lâm là một trong những huyện dẫn đầu TP Hà Nội về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân.

Thu hoạch rau thủy canh tại Hợp tác xã Đa Tốn.
Thu hoạch rau thủy canh tại Hợp tác xã Đa Tốn.

Trước nguy cơ diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, cuối năm 2017, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Đa Tốn (HTX Đa Tốn) đề xuất Đảng ủy, UBND xã cho xây dựng mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh. Sau khi xem xét và nhận thấy mô hình này có tính khả thi, UBND xã Đa Tốn đã xây dựng phương án trình UBND huyện Gia Lâm phê duyệt. Giám đốc HTX Đa Tốn Lê Thanh Phương cho biết, trước khi đề xuất phương án, cán bộ HTX đã có thời gian học tập mô hình trồng rau thủy canh tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng); sau đó, gặp một đối tác chuyên sản xuất nông nghiệp sạch, sẵn sàng chuyển giao toàn bộ quy trình công nghệ cho HTX, đó là Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa (Công ty An Hòa). Sau khi trồng thử nghiệm đạt kết quả tốt, HTX mới đề xuất phương án với chính quyền địa phương. Sau khi được UBND huyện Gia Lâm đồng ý, HTX Đa Tốn đã thuê 1 ha đất công do xã quản lý tại thôn Ngọc Động. Phương thức liên kết là HTX có mặt bằng sản xuất, Công ty An Hòa đầu tư công nghệ và nhà xưởng (nhà lưới, kho lạnh, xưởng sơ chế rau…).

Ngay sau khi phương án được phê duyệt, mô hình chính thức đi vào sản xuất. Công ty An Hòa đã xây dựng 3.000 m2 nhà lưới phân thành các khu trồng xà lách, rau muống, rau cải các loại, rau thơm... Công nghệ trồng rau hoàn toàn tự động; hạt giống được ngâm ủ, sau đó đưa vào khay trồng, có hệ thống điều khiển lượng nước, chất dinh dưỡng nuôi cây; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Tùy theo đặc điểm từng loại rau và điều kiện thời tiết, trung bình khoảng 30 đến 35 ngày các loại rau cải, rau muống được thu hoạch; từ 40 đến 45 ngày, rau xà lách được thu hoạch.

Ông Lê Thanh Phương cho biết: “Trồng rau bằng phương pháp thủy canh cho sản phẩm đồng đều, chất lượng, an toàn, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng hiệu quả sử dụng đất. Trên cùng một đơn vị diện tích, năng suất của rau trồng thủy canh gấp bốn đến năm lần trồng rau ngoài ruộng”. Với 3.000 m2 nhà lưới trồng rau, trung bình mỗi tháng HTX Đa Tốn và Công ty An Hòa thu hoạch 5 tấn rau các loại. Với giá bán từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg đối với rau ăn lá; 40.000 đến 45.000 đồng/kg đối với rau xà lách, sản phẩm chủ yếu đưa vào hệ thống bán hàng của Công ty An Hòa trong nội thành Hà Nội.

Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy (Khóa 16) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, nông nghiệp, nông thôn huyện Gia Lâm đã có những thay đổi tích cực, đời sống của người dân được nâng lên.

Đáng chú ý, tiêu chí về sản xuất được huyện triển khai thực hiện với nhiều kết quả nổi bật. Năm 2017, huyện phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tại 20 xã, thị trấn, trong đó có các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Về trồng trọt, huyện có 2.189,5 ha diện tích gieo trồng, trong đó có 407,46 ha sản xuất rau an toàn tập trung tại các xã Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên và Lệ Chi. Diện tích cây ăn quả tăng, đạt 1.312,63 ha, hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, chất lượng, cho thu nhập cao. Vùng trồng hoa, cây cảnh có diện tích 46,44 ha, trong đó đã phát triển các khu vực sản xuất hoa, cây cảnh tập trung. Về chăn nuôi, có 123 trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn, trong đó, có 12 trang trại chăn nuôi bò sữa ngoài khu dân cư và 10 trang trại, gia trại chăn nuôi bò thịt…

Trên địa bàn huyện đã hình thành 17 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có tám mô hình trồng trọt như: rau thủy canh xã Đa Tốn, các mô hình trồng cây cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP ở hai xã Kiêu Kỵ và Kim Sơn, mô hình hoa lan giá trị cao; chín mô hình chăn nuôi như: nuôi giun quế xử lý ô nhiễm môi trường, chăn nuôi bò sữa, lợn thịt… Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy quy mô nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp lợi thế của huyện. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các vùng rau an toàn các xã Văn Đức, Đặng Xá; ổi Đông Dư, chuối Cổ Bi. Năm 2017, huyện đã được cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 27,1 ha diện tích vùng quả sản xuất tập trung tại hai xã Kiêu Kỵ và Kim Sơn; 15 ha vùng rau tại xã Văn Đức… Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, huyện đã hình thành 18 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tiêu thụ hơn 20% sản lượng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện với các đơn vị doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố.

Đến nay, 20 xã trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, huyện Gia Lâm sẽ hoàn thiện các thủ tục để được công nhận huyện nông thôn mới.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay thành phố có 120 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 15 mô hình so với cuối năm 2017. Các địa phương có nhiều mô hình gồm: huyện Mê Linh có 18 mô hình, huyện Gia Lâm có 17 mô hình, huyện Thường Tín có 14 mô hình, huyện Thanh Oai có chín mô hình, huyện Phúc Thọ có tám mô hình, huyện Đông Anh có tám mô hình... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thực tế của Hà Nội.