Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2019

Kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm của TP Hà Nội chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018. Do nhiều tác động mà xuất khẩu có xu hướng giảm ở cả các thị trường lớn và mặt hàng chính. Từ nay đến cuối năm 2019, thành phố cần thực hiện nhiều giải pháp hơn để có thể đưa kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng 7,5% đến 8% như kế hoạch.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: ĐỨC THANH
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: ĐỨC THANH

Kim ngạch xuất khẩu tăng thấp

Năm 2019, TP Hà Nội đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5% đến 8% so với thực hiện năm 2018. Nhưng sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 7,2 tỷ USD, chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong bảy thị trường xuất khẩu chính, chỉ có thị trường Mỹ tăng trưởng cao và cao hơn năm 2018 ( tăng 35%), ba thị trường có tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn năm 2018 là thị trường các nước EU (tăng 12,6% so với 14,7% năm 2018), Nhật Bản (tăng 8,9% so với 12,3% năm 2018) và Hàn Quốc (tăng 0,5% so với 15,8% năm 2018). Ba thị trường giảm mức tăng trưởng là Trung Quốc (giảm 0,6%), các nước ASEAN (giảm 10,9%) và Hồng Công (Trung Quốc) (giảm 3,9%).

Về nhóm hàng, so với cùng kỳ năm 2018, nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm hoặc tăng trưởng thấp như xăng dầu (giảm 0,7%), giày dép và các sản phẩm từ da (giảm 12,8%), thủy tinh và các mặt hàng từ thủy tinh (giảm 1,5%)... Riêng mặt hàng nông sản giảm tới 26,9%. Trong đó, xuất khẩu gạo giảm tới 36,3% trong khi cùng kỳ tăng 63,1% và có xu hướng giảm sâu hơn.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải giải thích, nguyên nhân của việc xuất khẩu giảm có nhiều. Trước hết, đây là tác động của các yếu tố chi phí đầu vào như giá điện, giá xăng, lương cơ bản của người lao động tăng đã nâng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Năm 2018, khi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mới diễn ra căng thẳng, hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với hàng hóa của hai nước này do không bị đánh thuế cao. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, khi căng thẳng kéo dài, hai quốc gia này ngoài giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa còn đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa vào các thị trường khác. Do đó, hàng hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vào các thị trường (ngoài Mỹ và Trung Quốc) bị nhiều áp lực cạnh tranh hơn. Thị trường xuất khẩu và mặt hàng xuất khẩu của Hà Nội đã chịu nhiều tác động rõ rệt khi sáu trong bảy thị trường xuất khẩu chính đều giảm hoặc tăng trưởng thấp hơn năm 2018.

Riêng về mặt hàng gạo, bên cạnh nguyên nhân do giá gạo giảm thì còn do các nước nhập khẩu gạo chính như Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc... đang hoãn hoặc siết chặt chính sách nhập khẩu gạo. Trong số 22 doanh nghiệp Việt Nam được cung cấp gạo cho Trung Quốc, không có doanh nghiệp nào của Hà Nội được chọn.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Hiện kinh tế thế giới đang tiếp tục phải chịu những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam tiếp tục chịu sự cạnh tranh mạnh hơn tại hầu hết các thị trường bởi các nước chú trọng thị trường nội địa, thiết lập các hàng rào kỹ thuật chắc chắn hơn và trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. Sáu tháng cuối năm nay, Hà Nội phải rất nỗ lực để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2019 tăng từ 7,5% đến 8%.

Để có thể đạt và vượt mức chỉ tiêu như kế hoạch đề ra, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn. Các đơn vị cần tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án "Đẩy mạnh xuất khẩu của TP Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến năm 2025"; Đề án “Giải pháp phát triển kinh tế của TP Hà Nội trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn đến năm 2020”...

Trước những biến đổi phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, doanh nghiệp cần được tăng cường công tác tập huấn, phổ biến về các hiệp định thương mại, nhất là những hiệp định mới như Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Qua đó, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thực thi đúng các cam kết hội nhập và tận dụng được những cơ hội mà các hiệp định này mang tới. Cùng với đó, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các thị trường mới, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm và tận dụng được các thế mạnh của riêng ngành hàng, lĩnh vực của mình, để có thể thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt.