Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh, TP Hà Nội vừa xây dựng ba kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và những năm tiếp theo.
Sau nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội nói chung và ngành du lịch nói riêng, lượng du khách đã có xu hướng tăng trở lại. Đặc biệt, nhiều du khách tỏ rõ sự yên tâm, tin tưởng trong quá trình tham quan Thủ đô. Trong ảnh: Du khách tham quan Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: DUY LINH
Sau nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội nói chung và ngành du lịch nói riêng, lượng du khách đã có xu hướng tăng trở lại. Đặc biệt, nhiều du khách tỏ rõ sự yên tâm, tin tưởng trong quá trình tham quan Thủ đô. Trong ảnh: Du khách tham quan Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: DUY LINH

Sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã giảm 19% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu giảm 20,7%. Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát giảm 0,9%. Doanh thu từ du lịch bị ảnh hưởng lớn khi số lượng khách Trung Quốc đến Hà Nội giảm 60%; khách từ Ma-lai-xi-a giảm 34,9%; Xin-ga-po giảm 19,6%; Thái-lan giảm 13,4%;... Khách du lịch trong nước đến Hà Nội cũng giảm 21,2%. Doanh thu từ các dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%...

Chịu tác động mạnh nhất là các ngành sản xuất, kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị với các nước đang xảy ra dịch Covid-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, I-ta-li-a… và các ngành sản xuất có nguyên liệu đầu vào từ các quốc gia này. Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nêu dẫn chứng, lĩnh vực dệt may bị ảnh hưởng rõ rệt nhất khi 50% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và 10,2% nguyên liệu từ Hàn Quốc. Các doanh nghiệp đang tìm nguồn nguyên liệu khác, nhưng khó thay thế được toàn bộ trong thời gian ngắn. Đồng thời, giá nguyên liệu tăng khiến sức cạnh tranh bị giảm sút. Các ngành da giày, sản xuất máy móc, thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải, xuất khẩu nông sản… cũng chịu tác động tương tự. Thị trường bất động sản, nhà ở và công trình giao thông cũng bị chững lại do thiếu hụt nguồn lao động và khó nhập khẩu các thiết bị, khiến hoạt động xây lắp bị chậm tiến độ. Nhóm các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình với năng lực tài chính yếu, tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế là đối tượng chịu tác động trực tiếp và gián tiếp trong tất cả các khâu từ tiêu thụ sản phẩm, huy động lao động, chi phí, nguyên liệu sản xuất đầu vào…

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đưa ra ba kịch bản tăng trưởng năm 2020. Cụ thể, kịch bản 1 là dịch sẽ kết thúc trong quý I, sang quý II thành phố lấy lại đà tăng trưởng và dự kiến GDP đạt mức tăng trưởng cả năm là 7,53%, đạt kế hoạch đề ra. Kịch bản 2 là kiểm soát được dịch trong quý I, nhưng vẫn bị ảnh hưởng sang các quý sau, GDP của thành phố sẽ tăng 7,06%. Kịch bản 3 là dịch kéo dài đến quý II, nhưng ảnh hưởng tới các quý sau, khiến GDP chỉ tăng 6,57%. Như vậy, cùng với việc kiểm soát dịch, bệnh, thì nhiệm vụ quan trọng của thành phố trong thời điểm này là triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nếu không thì nguy cơ tụt hậu kinh tế vào những năm tới sẽ rất cao.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp chỉ có lượng hàng tồn kho đủ sản xuất từ 15 đến 20 ngày nữa. Do đó từ giữa tháng 3 trở đi, các doanh nghiệp sẽ bị đình trệ sản xuất do thiếu nguyên, vật liệu. Hiệp hội sẽ rà soát và nắm bắt khó khăn cho từng nhóm doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, đề nghị thành phố quan tâm, sớm tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng sản xuất, để khi hết dịch doanh nghiệp có thể bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần triển khai hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, mục tiêu số một trong thời điểm hiện nay là phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung cắt giảm các thủ tục nhằm giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân cho vay qua Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội…; thành lập các tổ công tác làm đầu mối để cho việc liên hệ với các doanh nghiệp giúp cho việc nắm bắt vướng mắc và phối hợp giải quyết.

Ngay từ bây giờ, TP Hà Nội cần có bước chuẩn bị đúng hướng, đủ mức để đón bắt cơ hội, tăng tốc trong thời gian tới. Các ngành du lịch, công thương, nông nghiệp..., nhân dịp này cần thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, chủ động tiếp thu và ứng dụng công nghệ hiện đại, có các phương án chuyển hướng kịp thời. Có như vậy, thành phố mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và những năm tiếp theo.