Nỗ lực giữ chân bác sĩ giỏi

Hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc thành phố Hà Nội trong những năm qua gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút và giữ chân các bác sĩ giỏi, đòi hỏi thành phố và các đơn vị bệnh viện công lập của Hà Nội có các chế độ, chính sách đãi ngộ hấp dẫn đối với đối tượng này, để họ yên tâm công tác, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Khám, điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH
Khám, điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (phường Sài Đồng, quận Long Biên) được xây dựng từ năm 1973, đã qua nhiều lần sửa chữa, cải tạo, nhưng đến nay vẫn còn những khối nhà cũ, có nguy cơ sập đổ. Năm 2014, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án nâng cấp cải tạo bệnh viện, nhưng tới nay vẫn chưa có kinh phí để triển khai. Nhưng đó không phải là nỗi niềm duy nhất của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ bệnh viện. Bác sĩ Ngô Hùng Lâm, Giám đốc bệnh viện chia sẻ, thiếu bác sĩ giỏi là vấn đề khó khăn nhất của đơn vị. Gần đây, bệnh viện đã tuyển được một số bác sĩ có trình độ khá. Nhưng do không có chỉ tiêu biên chế, cho nên các bác sĩ này chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn với những chế độ, chính sách đãi ngộ thấp. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn, họ cũng chuyển sang cơ quan khác. Trong số gần 400 cán bộ, công nhân viên của bệnh viện hiện mới chỉ có hai bác sĩ chuyên khoa 2, còn lại đều ở trình độ thấp hơn.

Thiếu bác sĩ giỏi cũng là tình trạng chung của hệ thống bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn Hà Nội. Một thực tế đáng buồn là những cán bộ có trình độ khá sau thời gian ngắn làm tại các cơ sở này đều xin chuyển đến bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tư nhân hoặc ra làm ở các phòng khám tư. Hiện, Sở Y tế Hà Nội có 80 đơn vị trực thuộc, trong đó có 42 bệnh viện, năm trung tâm chuyên khoa và 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Trong số 25.781 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong biên chế thì có 4.714 bác sĩ. Trong số các bác sĩ này chỉ có hai giáo sư, sáu phó giáo sư, 332 tiến sĩ và tương đương... Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thời gian qua, Sở đã tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ quản lý nhà nước, lý luận chính trị và chuyên môn cho các cán bộ y tế. Trong đó, chú trọng phối hợp Trường đại học Y Hà Nội thực hiện Đề án đào tạo bác sĩ nội trú. Từ năm 2012 đến 2017, đã đào tạo được 69 bác sĩ nội trú. Năm 2018 tiếp tục đào tạo 25 bác sĩ nội trú và đang đề nghị được tăng chỉ tiêu đào tạo lên 50 bác sĩ nội trú/năm.

Tuy nhiên, Giám đốc Nguyễn Khắc Hiền cũng thừa nhận, quá trình đào tạo, học tập của ngành y tế thường có thời gian dài, khối lượng kiến thức chuyên ngành và kiến thức chuyên sâu lớn, vừa học lý thuyết vừa học thực hành, đồng thời gắn chặt với môi trường bệnh viện, đòi hỏi người học phải có ý chí, quyết tâm cao, cho nên không phải ai cũng lựa chọn. Tình trạng thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao đã làm giảm khả năng cung cấp dịch vụ và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tuyến y tế cơ sở lại càng thiếu bác sĩ có trình độ hơn, nhất là với các trạm y tế đang thực hiện chuyển đổi thành mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Tại đây, các điều kiện để phát triển chuyên môn kỹ thuật chưa được quan tâm, cho nên đội ngũ bác sĩ chưa yên tâm công tác tại cơ sở.

Để thu hút và giữ chân bác sĩ giỏi, nhiều bệnh viện công lập của Hà Nội đã đưa ra những chế độ, chính sách đãi ngộ hấp dẫn hơn với đối tượng này. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh cho biết, bác sĩ nội trú về bệnh viện làm việc sẽ được thưởng 100 triệu đồng, còn bác sĩ nội trú lại có trình độ tiến sĩ thì sẽ được thưởng 200 triệu đồng. Đại diện Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, các tiến sĩ về làm việc tại bệnh viện sẽ được thưởng 100 triệu đồng và hưởng mức lương từ 30 triệu đồng/tháng trở lên…

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn nhận định: Nguồn nhân lực trong hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh của Hà Nội còn yếu so với các bệnh viện tuyến trung ương. Hà Nội không chỉ mất bác sĩ giỏi cho các bệnh viện tuyến trung ương mà còn phải cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân đang phát triển nhanh chóng. Do đó, nếu không có chính sách tốt thì Hà Nội sẽ không giữ được nguồn bác sĩ giỏi. Các bệnh viện mong muốn được tự chủ hơn nữa, nhất là tự chủ trong tổ chức cán bộ để có cơ chế, chính sách "trải thảm đỏ" trong tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh chế độ chính sách, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu cũng là nguyên nhân khiến các bác sĩ có trình độ không gắn bó lâu dài với hệ thống khám, chữa bệnh của Hà Nội. Hầu hết các bệnh viện công lập của thành phố đều có số giường bệnh không đủ theo quy định. Cơ sở vật chất của một số bệnh viện bị xuống cấp, chưa được đầu tư xây dựng. Tại các bệnh viện, trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cho chẩn đoán và điều trị. Do đó, Sở Y tế Hà Nội kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp các bệnh viện, cho phép mở rộng tự chủ về đầu tư và công tác tuyển dụng cán bộ (có thể thí điểm trước ở một số bệnh viện đa khoa cấp thành phố, bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện đa khoa huyện). Đồng thời, tiếp tục đầu tư trang, thiết bị y tế hiện đại thay thế dần những trang thiết bị cũ, xem xét cơ chế đặc thù để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, tạo động lực quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ y sĩ, bác sĩ, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.