Hà Nội một góc nhìn

Những tiếng cười mùa thu

Dường như Trung thu đến sớm hơn với Hà Nội. Từ nhiều ngày trước, trên những con phố hay ở những cửa hàng, siêu thị người ta đã bày bán các loại bánh Trung thu.

Nhìn vào đó, cũng đủ để lũ trẻ con háo hức, mong chờ. Cùng với tiết trời thu rất đặc trưng, Trung thu ở Hà Nội đã được gọi mời từ những trái hồng đỏ au, những trái bưởi rám nắng được bày bán trên phố. Tôi nhớ ngày nhỏ, mỗi độ Trung thu, bà nội thường ra vườn hái quả. Từ nhiều ngày trước, khi trái cây đã vào già, bà thường để ý đến chúng, cành nào trĩu quả bà sẽ làm giá đỡ, cành nào khuất bóng bà khẽ khàng níu chúng hướng ra ánh nắng bằng những sợi dây chắc chắn bện từ cành này qua cành khác. Nhờ vậy mà những quả hồng, quả bưởi vườn bà bừng lên trong một vẻ đẹp rất riêng và hấp dẫn bọn trẻ chúng tôi. Như thể thấy được trong đó tình yêu và sự tỉ mỉ của bà, như thể Trung thu là dịp để thưởng thức những điều tuyệt vời nhất mà bà và tạo hóa đem lại cho chúng tôi. Nhìn những quả bưởi, quả hồng đẹp mắt trên phố, con gái tôi cũng trầm trồ, ao ước. Tôi kể cho con nghe về quả trong vườn nội ngày xưa và để có được những quả đẹp và ngon nhất cho đêm rằm, người trồng cây phải cần mẫn thế nào. Con tôi đến lớp kể lại cho các bạn câu chuyện ấy và bọn trẻ đã quyết định sẽ dựng lên một kịch bản có chủ đề về hoa trái trong vườn bà để diễn trong đêm Trung thu năm nay ở trường, thay vì năm nào cũng chỉ có rước đèn rồi phá cỗ. Sự sáng tạo và tình cảm của những đứa trẻ lớp 3 làm tôi xao xuyến mong chờ đến đêm rằm hơn bao giờ hết, kể từ khi sống ở thành phố này.

Trung thu ở Hà Nội luôn có một nét riêng khác. Ðến phố Hàng Mã những ngày này, ta gặp rất nhiều khuôn mặt, dáng điệu và nhất là nụ cười tuổi thơ. Có đứa trẻ thích thú ướm thử những chiếc mặt nạ với nhiều hình thù độc đáo và ngộ nghĩnh rồi cười vang một góc phố, có đứa trẻ nhìn thật lâu như soi mình trong chiếc đèn lồng với những họa tiết đặc sắc mê dụ, có đứa trẻ lại hào hứng với các loại đồ chơi như tò he, hay những chiếc đèn ông sao lấp lánh. Ở đây, chúng tha hồ đắm mình trong thế giới của sắc mầu và tưởng tượng. Với chúng, Trung thu gần như là dịp vui nhất trong năm.

Càng gần đến ngày rằm, phố phường càng trở nên náo nức. Buổi tối, rong ruổi qua những phố, không khó để bắt gặp ở một ngôi trường, một nhà văn hóa hay một trung tâm thương mại nào đó, người ta tổ chức múa lân, đánh trống, biểu diễn văn nghệ để mừng Tết Trung thu cho thiếu nhi. Những đứa trẻ cùng tham gia múa hát, có đứa reo lên sung sướng khi thấy đội múa lân uốn mình rồi nhảy tung lên, rực rỡ và ngoạn mục. Những đứa trẻ nhỏ quá thì được bố mẹ công kênh lên cao để nhìn cho rõ, những đôi mắt trong veo, choáng ngợp bởi không khí tưng bừng, rộn rã. Tiếng trống thùng thùng như thực, như ảo trong ánh đèn muôn mầu sắc của thế giới tuổi thơ. Trên cao, vầng trăng thu hiện ra, nếu ai để ý sẽ thấy, mặt trăng như cũng ngời lên và rung động bởi tiếng trống, tiếng hát và tiếng cười rộn vang của những đứa trẻ. Ðừng ai bảo ở thành phố không có trăng, xuyên qua những tòa nhà cao tầng và những ánh đèn, trăng vẫn hiện diện, ngự trị, uy nghi và chung thủy.

Những ý nghĩ cố hữu của người lớn nhiều khi bị thay đổi bởi một câu nói của đứa trẻ: "Mẹ ơi, trăng kìa!", giữa phố đi bộ sầm uất, một đứa trẻ hét lên khiến bao người phải giật mình. Mọi người ngước lên, một vầng trăng trong vắt chênh chếch phía hồ Gươm. Tôi nhận ra một vầng trăng khác đang hiện diện trên con phố Hà Nội xinh đẹp này. Một cô bé mặc bộ váy trắng cùng đôi cánh thiên thần đang trao cho chú bé bán dạo một chiếc đèn ông sao, giữa muôn người qua lại. Chiếc đèn lấp lánh như muôn ngàn ước mơ tuổi nhỏ.