GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Những tấm gương trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô có hơn 150 người có uy tín được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Không chỉ gương mẫu về đạo đức, lối sống, người có uy tín còn tích cực vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Hà Nội biểu dương người có uy tín trong cộng đồng.
Hà Nội biểu dương người có uy tín trong cộng đồng.

Xã Phú Mãn là địa bàn khó khăn nhất của huyện Quốc Oai, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016. Trong quá trình vận động xây dựng nông thôn mới, có vai trò to lớn của những người có uy tín trong cộng đồng. Bảy người có uy tín trong xã được thành phố công nhận. Người có uy tín trong cộng đồng đã tích cực vận động nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là việc vận động người dân hiến đất làm đường. Điển hình là ông Đinh Công Su (sinh năm 1954) ở bản Đồng Vỡ. Ông Su không phải là cán bộ, nhưng luôn gương mẫu đi đầu thực hiện mọi chủ trương, chính sách. Ông nắm chắc đời sống kinh tế của các hộ gia đình, chủ động đề xuất giúp đỡ hộ khó khăn. Khi thôn Đồng Vỡ xây dựng đường giao thông, ông vận động nhiều gia đình hiến đất, mở đường liên thôn. Có gia đình đã hiến hơn 200 m2 đất để mở đường. Ông Su cũng là người có tiếng nói quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa. Trước đây, người Mường vốn tổ chức tang lễ rườm rà, để người chết nhiều ngày trong nhà trước khi đi chôn. Ông Su đến từng hộ gia đình để phân tích điều hay lẽ phải, cho nên người dân thôn Đồng Vỡ đã dần từ bỏ hủ tục này.

Ông Đinh Văn Nho (sinh năm 1953), ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì được nhiều người biết đến bởi luôn tâm huyết với công tác khuyến học. Nhận thấy đời sống kinh tế - xã hội của vùng đồi núi Khánh Thượng còn khó khăn do dân trí chưa cao, một bộ phận giới trẻ chưa chú ý theo học các nghề đòi hỏi kỹ năng lao động, ông Nho cùng cán bộ thôn, cán bộ xã tích cực vận động nhân dân xây dựng các quỹ khuyến học, chi hội khuyến học. Đến nay, ông tham gia xây dựng được 18 chi hội khuyến học trên địa bàn. Công tác khuyến học phát triển, khiến các gia đình chăm lo đến việc học hành của con cái, nhiều cháu đỗ đạt cao; sau đó, trở về xây dựng quê hương.

Hà Nội có 108 nghìn người dân tộc thiểu số. Trong đó, đồng bào sống tập trung tại 14 xã tại các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất. Người có uy tín là những già làng, trưởng bản, trưởng thôn, người tiêu biểu trong cộng đồng, người làm kinh tế giỏi… Cộng đồng đã suy tôn và UBND thành phố Hà Nội công nhận hơn 150 người có uy tín. Trong đó bảy xã dân tộc thiểu số ở Ba Vì có 77 người có uy tín; ba xã của huyện Thạch Thất có 35 người có uy tín; hai xã huyện Quốc Oai có 26 người có uy tín…

Trong đời sống của đồng bào, người có uy tín có vai trò hết sức quan trọng. Họ là cầu nối giữa chính sách của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ủy ban MTTQ thành phố, Ban Dân tộc TP Hà Nội luôn phối hợp các địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, bồi dưỡng kiến thức cho những người có uy tín. Hằng năm, tổ chức thăm hỏi, động viên 100% người có uy tín trong cộng đồng, bảo đảm để người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình.

Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, thời gian tới, ban sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của người có uy tín; tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò, uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nhân rộng các nhân tố điển hình tiên tiến là người có uy tín để mọi người noi theo.