Những nhà giáo tâm huyết với nghề

Những nhà giáo bám trường, bám lớp, yêu thương, trăn trở với từng hoàn cảnh của học trò, kiên trì, bền bỉ thuyết phục các em, giúp các em thay đổi thái độ với cuộc sống theo hướng tích cực là những món quà vô giá với biết bao gia đình.

Thầy Hoàng Đức Mạnh (áo vest, ngồi giữa) với các thế hệ học trò Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức).
Thầy Hoàng Đức Mạnh (áo vest, ngồi giữa) với các thế hệ học trò Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức).

Câu lạc bộ Goodbye games

Câu lạc bộ đặc biệt này xuất phát từ nhiệt huyết của một người thầy luôn yêu thương học trò và không chịu khuất phục trước ảnh hưởng tiêu cực từ các trò chơi điện tử trực tuyến (games online) đối với học trò của mình. Nói về thầy giáo Hoàng Ðức Mạnh - giáo viên Trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Ðức, thầy Nguyễn Văn Ban, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, thầy Mạnh là giáo viên cốt cán của trường với kinh nghiệm nhiều năm công tác, đào tạo nhiều học sinh giỏi của trường và của huyện. Trong vai trò là giáo viên chủ nhiệm, thầy Mạnh hết sức tâm huyết, nhất là với những học sinh cá biệt, mê games, thầy có nhiều biện pháp thu hút học sinh trở lại tập trung vào việc học tập. Việc thành lập CLB Goodbye games đã tác động tới nhiều đối tượng học sinh, giúp các em dần dần không còn nghiện games nữa. Ðiều này đã được đồng nghiệp, nhiều bậc cha mẹ học sinh công nhận. Có thể khẳng định, sức ảnh hưởng, lan tỏa của thầy Mạnh với giáo viên trong trường và với nhiều thế hệ học sinh của trường khá lớn.

Bạn Hoàng Thế Tài, sinh viên năm hai Trường đại học Giao thông vận tải nhớ lại: Năm lớp 8 và 9 học lớp do thầy Mạnh là giáo viên chủ nhiệm, em đã có những chuyển biến đặc biệt ấn tượng. CLB Goodbye games của thầy Mạnh có rất nhiều hoạt động giao lưu, vui chơi giữa các thành viên, từ đó các bạn gắn kết, chia sẻ suy nghĩ với nhau và dần xa rời việc chơi games. "Bản thân em đã được thầy dành rất nhiều sự quan tâm. Từ những bài học thực tiễn và những câu chuyện, lời khuyên của thầy qua những chuyến đi tham quan dã ngoại em cảm thấy bản thân cần phải nỗ lực học tập thay vì suốt ngày chỉ chơi games. Em luôn nhớ lời thầy vẫn nhắn nhủ rằng, không chỉ cố gắng thành công mà hãy trở thành người có giá trị, điều này đã định hướng những bước đi của em hiện nay và trong tương lai".

Chia sẻ về ý tưởng thành lập CLB Goodbye games, thầy Hoàng Ðức Mạnh cho biết qua nhiều năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm, bản thân thầy thấy rất nhiều học sinh thông minh, cá tính, nhưng lại thiếu thốn tình cảm gia đình, tâm lý chán nản cộng với tính tình nghịch ngợm, cho nên các em thường tìm đến games online để giải trí. "Xuất phát từ thực tiễn đó, tôi đã nảy ra ý tưởng tập hợp các em vào câu lạc bộ để giúp các em từng bước "thoát" được games, từ đó có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Các em đều là những học sinh cá tính, muốn thuyết phục các em thì phải hiểu tâm lý, giáo dục các em bằng những biện pháp mềm dẻo, tuyệt đối không trách mắng, phạt nặng. Người thầy phải có tình yêu thật sự với học trò, coi học trò như những người bạn, người em, người con trong gia đình mình thì các em sẽ tin tưởng, gắn bó với thầy cô, từ đó các em sẽ nghe lời, tiến bộ" - thầy Mạnh chia sẻ.

CLB Goodbye games đầu tiên có 17 học sinh, trong đó có tới 15 em thường xuyên chơi games, sau đó, mở rộng toàn trường với hơn 40 học sinh. Có tới 95% số thành viên CLB đã vượt qua sự cám dỗ của trò chơi điện tử, học tập tiến bộ để trở thành những sinh viên. Khi đã ra trường, chính các em này là khách mời của CLB với tấm lòng nhiệt tình, mong muốn được chia sẻ với các thế hệ đàn em của mình.

Tận tâm giúp học trò trưởng thành

Cô giáo Nguyễn Lương Thiện, giáo viên chủ nhiệm và phụ trách tư vấn học đường Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng - Hà Nội cảm nhận rõ ý nghĩa của giáo dục đối với học trò không chỉ là những bài giảng, mà quan trọng hơn là sự thấu hiểu, chia sẻ và nhất là sự bao dung để từ đó, nhiều học sinh đã vươn lên trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Ðây chính là câu chuyện về cậu học sinh H.A. thông minh nhưng khi mới đến trường thì thường xuyên phản kháng, chán nản, lười học. Cô Thiện kể: Thông thường với những trường hợp này, giáo viên có thể cho rằng H.A. không biết nghĩ, không thương bố mẹ. Nhưng sau khi tôi tìm hiểu thì nhận ra, đằng sau sự ngỗ nghịch của H.A. xuất phát từ sự đơn độc với suy nghĩ "mình không nên xuất hiện trên cuộc đời", khiến em chán nản, dẫn tới hậu quả từ một học sinh học khá ở cấp THCS trở thành một học sinh cá biệt ở THPT. Nắm được tâm sự của H.A. tôi đã kiên trì làm bạn với em, giúp em dần dần hòa nhập với lớp, nhất là khi H.A. có tình cảm với cô bạn M. cũng có hoàn cảnh khó khăn như em. Tuy nhiên, việc em M. phải nghỉ học vì gia đình khó khăn về kinh tế đã khiến H.A. một lần nữa sống khép kín với mọi người.

Cô Thiện nhớ lại: "Tôi tìm đến tận nhà nhưng gọi thế nào H.A. cũng không ra. Không thể bỏ mặc em, đều đặn hằng ngày tôi nhờ bạn thân của H.A. mang tài liệu, đề cương ôn tập tới nhà em vì sắp đến ngày thi tốt nghiệp THPT. Thấy H.A. vẫn không đến trường, tôi đã nhắn cho em: "Cô tin em sẽ vượt qua mọi chuyện để có quyết định sáng suốt. Cô sẽ chờ em nhưng đừng để cô chờ quá lâu vì ngày thi đến gần rồi" - cô Thiện nhớ lại. Không phụ lòng mong mỏi của gia đình và cô giáo, H.A. đã quyết định đi thi và tự mình ôn bài. Niềm vui vỡ òa với cô chủ nhiệm khi H.A. đã vượt qua được kỳ thi quan trọng này. "Hiện H.A. đã trưởng thành với tư cách là sinh viên trường cao đẳng. Từ câu chuyện này, tôi hiểu rằng, sự kiên trì, thấu hiểu yêu thương học trò sẽ đem đến những thành quả khó ngờ" - cô Thiện nhấn mạnh.