Thị trường bất động sản

Nhiều rủi ro khi mua lại nhà ở xã hội

Liên tiếp trong những ngày gần đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô là chủ đầu tư nhà ở xã hội NO2 và NO3 thuộc dự án Khu nhà ở Ecohome 3 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có cảnh báo về tình trạng chuyển nhượng quyền mua, “sang tay” căn hộ… trái với các quy định về nhà ở xã hội. Theo đơn vị này, pháp luật nghiêm cấm việc chuyển nhượng nhà ở xã hội không đúng quy định dưới mọi hình thức. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý bằng việc hủy và phạt hợp đồng, thu hồi căn hộ…, kể cả trường hợp đã ký hợp đồng mua bán căn hộ.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô cho biết, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở xã hội một lần. Tuy nhiên, có một số trường hợp đã được xét duyệt mua nhà ở xã hội Ecohome 1 và Ecohome 2 nhưng vẫn nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội Ecohome 3. Qua kiểm tra bước đầu, chủ đầu tư phát hiện bốn trường hợp vi phạm các quy định về mua nhà ở xã hội. Đối với các trường hợp này, đơn vị sẽ đình chỉ quyền mua căn hộ, đồng thời báo cáo Sở Xây dựng xử lý theo quy định. Không chỉ có dự án Khu nhà ở Ecohome 3, một số dự án nhà ở xã hội khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng đang xảy ra tình trạng mua đi, bán lại suất căn hộ.

Để kiểm soát việc này, mới đây Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới, mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo Bộ Xây dựng, căn cứ theo phản ánh, tại một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội (như dự án Ecohome 3 phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm; dự án tại địa chỉ 282 phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân…) có hiện tượng các cá nhân môi giới, sàn giao dịch bất động sản thực hiện môi giới mua bán nhà ở và thu tiền chênh lệch trái quy định. Cụ thể, chi phí hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ và cam kết sẽ được mua nhà lên tới hàng chục triệu đồng; chi phí để khách hàng mua được căn góc, vị trí đẹp sẽ phải nộp tiền chênh so với giá bán gốc hàng trăm triệu đồng. Đối với trường hợp mua lại thì phải trả tiền chênh từ 4 đến 6 triệu đồng/m2, tương đương mỗi căn hộ chênh lệch so với giá gốc khoảng 400 triệu đồng. Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng địa phương tổ chức kiểm tra hoạt động giao dịch, mua bán nhà ở xã hội tại các dự án trên địa bàn để chấn chỉnh các hiện tượng, hoạt động nêu trên đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật (nếu có) theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Văn Thành, đại diện Tập đoàn Hoành Sơn (chủ đầu tư dự án 282 phố Nguyễn Huy Tưởng) cảnh báo người mua lại nhà ở xã hội theo hình thức này sẽ phải chịu rủi ro pháp lý. Theo quy định, sau 5 năm người mua nhà ở xã hội mới được chuyển nhượng lại nhà cho người khác. Lúc đó, người mua nhà phải trả thêm tiền sử dụng đất do không được hưởng ưu đãi của dự án nhà ở xã hội nữa.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, nếu xảy ra tranh chấp hoặc quá trình sử dụng nhà có vấn đề gì thì người mua hoàn toàn gánh chịu rủi ro, nếu có kiện người bán hoặc cơ quan liên quan thì không có cơ sở pháp lý, cho nên pháp luật không thể bảo vệ, bảo đảm được quyền lợi của người mua nhà.