Hợp tác Hà Nội và ba tỉnh Nam Trung Bộ

Nhiều dư địa để phát triển

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tăng cường kết nối, đầu tư với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, ba tỉnh khu vực Nam Trung Bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận được đánh giá là còn nhiều tiềm năng, dư địa để cùng Hà Nội hợp tác, phát triển mạnh hơn.

Đoàn công tác TP Hà Nội trao xe đạp tặng học sinh nghèo vượt khó huyện Ninh Phước, Ninh Thuận.
Đoàn công tác TP Hà Nội trao xe đạp tặng học sinh nghèo vượt khó huyện Ninh Phước, Ninh Thuận.

Đợt nghỉ hè năm nay, gia đình anh Nguyễn Hữu Ngọc (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) đã chọn đi du lịch tại Nha Trang (Khánh Hòa) và Ninh Thuận sau khi được một công ty du lịch giới thiệu, tư vấn. “Quả thật, đây là chuyến đi cả nhà tôi đều rất thích, vì ngoài tắm biển, còn được trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch sinh thái, khám phá. Đi trên cung đường ven biển từ Nha Trang sang Ninh Thuận, được ngắm biển xanh, cát trắng trải dài, bên cạnh là núi đồi hùng vĩ, cảm giác thật tuyệt”, anh Ngọc chia sẻ.

Không chỉ có Nha Trang, bây giờ nhiều người dân Hà Nội còn tìm đến những địa chỉ du lịch mới tại Phú Yên, Ninh Thuận. Từ Nha Trang, chỉ mất khoảng hai giờ đi ô-tô, du khách sẽ được tham quan những cảnh quan đẹp tại Phú Yên như Ghềnh Đá Đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng, Hòn Yến, Bãi Môn - Mũi Điện, Vũng Rô, cao nguyên Vân Hòa và bãi biển TP Tuy Hòa; hay biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, tháp Chàm… tại Ninh Thuận.

Cùng với du lịch, các lĩnh vực khác như kinh tế, xúc tiến đầu tư, văn hóa, giáo dục… cũng đang được Hà Nội và các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận đẩy mạnh. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt cho biết, gần như ngày nào lãnh đạo Tỉnh ủy cũng gặp khách từ Hà Nội vào. Đó là những doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương. “Doanh nghiệp từ Hà Nội có thực lực, tâm huyết và thực tế thời gian qua đã đưa nhiều dự án vào hoạt động hiệu quả”, đồng chí Huỳnh Tấn Việt chia sẻ. Tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ các doanh nghiệp tại Hà Nội khảo sát và đầu tư các dự án điện mặt trời tại địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có bốn dự án điện mặt trời của các chủ đầu tư tại Hà Nội được cấp chủ trương đầu tư với số vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Tại tỉnh Ninh Thuận, hiện nay có tổng số 69 dự án với tổng vốn đăng ký là 48.320 tỷ đồng của tổ chức, cá nhân từ Hà Nội tham gia đầu tư trên địa bàn, trong đó có 13 dự án đi vào hoạt động và 15 dự án đang triển khai. Nổi bật là Tập đoàn BIM (đã hoàn thành đưa vào hoạt động Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ với quy mô 2.127,96 ha, khánh thành đưa vào hoạt động cụm tổ hợp nhà máy điện mặt trời công suất 330 MW), và nay đang mở rộng đầu tư các lĩnh vực điện gió, mặt trời với quy mô dự kiến khoảng 1.000 MW; Tập đoàn T&T đang triển khai các dự án năng lượng tái tạo và đăng ký mở rộng đầu tư các lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, ngành du lịch hai địa phương đã có sự phối hợp, hỗ trợ nhau hiệu quả trong việc xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch, như hằng năm tham gia hội chợ tại Hà Nội; thường xuyên tạo điều kiện cho cơ quan chuyên môn của Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý du lịch. Ở lĩnh vực công thương, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực phổ biến, thông báo đến các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm thương mại của TP Hà Nội. Qua tham gia hội chợ, đã hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh sự liên kết giữa thị trường Hà Nội và Khánh Hòa nhằm phát triển các sản phẩm đặc trưng của hai địa phương.

Để tăng cường hợp tác toàn diện, hiệu quả hơn nữa giữa Hà Nội và các địa phương, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cử đoàn công tác làm việc với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Tại các hội nghị, bên cạnh việc đánh giá cụ thể những kết quả đã đạt được, các bên cũng thẳng thắn chỉ ra những lĩnh vực mà sự hợp tác còn khiêm tốn, chưa phát huy được lĩnh vực thế mạnh của địa phương như: du lịch, khoa học - công nghệ, xúc tiến đầu tư, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thương mại; chưa hợp tác sâu về phát triển năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Hà Nội và ba tỉnh đã lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm để đẩy mạnh hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, từ công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đến phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, dư địa phát triển tại Phú Yên, Khánh Hoà và Ninh Thuận còn rất lớn. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp của Thủ đô mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh. Để đạt hiệu quả cao, các bên đều nhất trí giao một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và Sở Kế hoạch - Đầu tư là đầu mối chỉ đạo thực hiện các nội dung hợp tác. Từng giai đoạn, Hà Nội và các tỉnh cùng nhau lựa chọn một số lĩnh vực trọng điểm để tập trung thực hiện đạt kết quả thiết thực, đồng thời thực hiện đánh giá định kỳ nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc. Những việc này cần làm cụ thể, tránh tình trạng chung chung, đếm đầu việc làm đẹp báo cáo. Có như vậy, việc hợp tác mới hiệu quả, tạo thêm nguồn lực quan trọng thúc đẩy Hà Nội và các tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.