Nhân rộng xử lý nước hồ ô nhiễm bằng Redoxy-3C

Sau hơn một năm thực hiện việc xử lý nước hồ ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy-3C, môi trường 127 hồ nước trên địa bàn Hà Nội được cải thiện rõ rệt, môi trường hồ xanh, sạch và đẹp hơn.

Hồ Lâm Du, thuộc địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên được xây kè, làm đường dạo chung quanh, kết hợp với xây dựng hệ thống cống thoát nước tách toàn bộ nước thải từ gần 15 năm trước. Sau cải tạo, nước hồ trong xanh, nhưng do lượng bùn lâu ngày không được nạo vét, cộng với tình trạng ô nhiễm hữu cơ, phú dưỡng, khoảng hai năm trở lại đây, nước hồ bị ô nhiễm nặng, có mầu xanh đậm. Vào những ngày độ ẩm không khí cao hay mùa hanh khô, tảo dày đặc, chết nổi váng trên mặt nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Nhưng gần một năm nay, nhờ được rải chế phẩm Redoxy-3C và thả bè thủy sinh, nước hồ được cải thiện rõ rệt. Anh Nguyễn Văn Minh, người dân sinh sống ven hồ chia sẻ, nước hồ đã trong xanh trở lại, không còn mùi hôi khó chịu. Các loại cá, tôm, cua phát triển tốt. Hồ trở thành địa điểm thu hút đông đảo người dân sinh sống trong khu vực đến tập thể dục, nghỉ ngơi, thư giãn.

Ngoài hồ Lâm Du, hơn một năm qua, khu vực nội thành Hà Nội còn 83 hồ khác cũng được xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy-3C, trong đó có những hồ lớn như Ba Mẫu, Ngọc Khánh, Kim Liên, Hố Mẻ… 44 hồ khu vực ngoại thành cũng được làm sạch. Theo đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội - đơn vị thực hiện xử lý, duy trì chất lượng nước các hồ, trong thời gian qua đơn vị đã tiến hành đánh giá chất lượng nước của từng hồ. Các hồ được tổng hợp, chia thành ba nhóm. Nhóm 1 gồm những hồ không tiếp nhận nước thải, nhóm 2 là những hồ tiếp nhận hỗn hợp nước mưa, nước thải khi có mưa lớn và nhóm 3 là những hồ thường xuyên tiếp nhận nước thải, nhưng cả ba nhóm đều bị ô nhiễm hữu cơ và co-li-phom rất nặng, vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép. Để xử lý ô nhiễm nước hồ, từ năm 2009 đến giữa năm 2016, một số đơn vị đã áp dụng thử nghiệm công nghệ tổng hợp các thủy vực, cơ sinh hóa học và tổ hợp sinh học kết hợp phương pháp kết tủa, với nhiều chế phẩm như LTH 100, LTH 200, PAC, vi sinh vật A-nô-va tại nhiều hồ, như Ngọc Khánh, Xã Đàn, Thanh Nhàn, Trúc Bạch, Kim Liên, Hai Bà Trưng… Các phương pháp này có ưu điểm là không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ, nhưng hạn chế là kỹ thuật xử lý phức tạp, mất nhiều thời gian, hiệu quả rất chậm.

Với mong muốn có công nghệ đơn giản, hiệu quả và giá thành hợp lý để có thể xử lý ô nhiễm ở nhiều hồ, UBND thành phố Hà Nội đã lựa chọn chế phẩm Redoxy-3C, sản phẩm do Công ty Watch Water (Đức) nghiên cứu, phát triển riêng theo đơn đặt hàng. Đây là chế phẩm có thành phần thân thiện với môi trường, cách thức thực hiện đơn giản và có kết quả rõ rệt sau 24 giờ rải xuống hồ. Sau khi sử dụng thử nghiệm thành công tại hồ Giáp Bát, Hố Mẻ và Ba Mẫu, chế phẩm Redoxy-3C chính thức được nhân rộng. Ngoài ra, để giữ nước hồ trong sạch, sau ba tháng, sáu tháng hoặc chín tháng, tùy vào chất lượng nước thuộc từng nhóm hồ, một lượng Redoxy-3C phù hợp tiếp tục được bổ sung để duy trì chất lượng nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam chia sẻ: Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước khi sớm quan tâm đến môi trường các hồ nước và chủ động đặt hàng chuyên gia hàng đầu thế giới khảo sát, nghiên cứu, tìm ra chế phẩm riêng, phù hợp để xử lý nước ô nhiễm. Đây là kinh nghiệm rất tốt đối với các địa phương trong việc cải tạo hồ nước ô nhiễm. Tiến sĩ Ứng Quốc Dũng phân tích thêm, mỗi hồ nước ô nhiễm như “cơ thể sống” bị mắc bệnh, không thể tự hồi phục. Redoxy-3C như một kháng sinh, có hiệu quả cao, nhanh chóng, nhưng không thể sử dụng kéo dài với liều lượng lớn. Vì vậy, ông đánh giá cao việc Công ty Thoát nước Hà Nội thường xuyên kiểm tra chất lượng nước đối với từng hồ để đưa ra “phác đồ điều trị” phù hợp, duy trì lượng Redoxy-3C hợp lý, bởi nếu bỏ qua bước này các hồ sẽ nhanh chóng ô nhiễm trở lại.

Cùng nhận định này, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố) Mai Trọng Thái nhận định, hiệu quả xử lý ô nhiễm nước hồ của chế phẩm Redoxy-3C rất rõ ràng, nhất là trong việc xử lý mầu, mùi và chất hữu cơ, đề nghị, bên cạnh việc xử lý ô nhiễm nước hồ, Công ty Thoát nước cần kết hợp với các đơn vị tạo cảnh quan, sinh thái và quản lý hồ nước đồng bộ để phát huy cao nhất vai trò giá trị các hồ trên địa bàn thành phố.

Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng khẳng định, xử lý nước hồ ô nhiễm, cải thiện môi trường sống của người dân là quyết tâm lớn của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Sau hơn một năm xử lý ô nhiễm, duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Để môi trường các hồ trong sạch, phát huy chức năng điều hòa nước mưa, giảm úng ngập, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, điều hòa vi khí hậu trong khu vực, công ty đề nghị thành phố tiếp tục bố trí kinh phí xử lý, duy trì chất lượng nước hồ và các hạng mục bổ trợ như bè thủy sinh, máy sục khí, nạo vét bùn đáy. Các địa phương tập trung đầu tư xây dựng hệ thống tách nước thải và hạ tầng kỹ thuật chung quanh hồ; tăng cường tuyên truyền, quản lý tránh các hành vi xâm hại, lấn chiếm hồ. Công ty sẽ khẩn trương cập nhật dữ liệu cụ thể, số hóa từng hồ để phục vụ công tác quản lý, duy trì chất lượng nước hồ ngày càng tốt hơn.