Ngời sáng phẩm cách người Hà Nội (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Nhân lên những phẩm chất, lối ứng xử tốt đẹp

Sức mạnh văn hóa đã góp phần quan trọng giúp Hà Nội vượt qua đại dịch Covid-19. Nhưng trong bức tranh tươi sáng ấy, vẫn còn một vài “vết mờ” không mong muốn. Để những nét văn hóa, tính cách đẹp của người Hà Nội luôn tỏa sáng trong mọi thời điểm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố vẫn cần nỗ lực hơn nữa.

Tại các khu chợ dân sinh, người dân chủ động phòng, chống dịch Covid-19 bằng sáng kiến kẻ vạch sơn để thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: ĐĂNG ANH
Tại các khu chợ dân sinh, người dân chủ động phòng, chống dịch Covid-19 bằng sáng kiến kẻ vạch sơn để thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: ĐĂNG ANH

Vẫn còn một số trường hợp vi phạm

Dịch Covid-19 dễ lây lan nhất ở những nơi công cộng tập trung đông người. Ngay từ đầu tháng 3, khi Hà Nội có ca nhiễm bệnh đầu tiên, nếp sống của người Hà Nội đã có nhiều thay đổi khi phải thích ứng với cuộc sống mới. Đến tháng 4, thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn người dân nghiêm túc chấp hành việc ở nhà, không đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết. Thậm chí, ở những địa bàn phức tạp như các khu chợ dân sinh, người dân cũng chủ động phòng, chống dịch bệnh; có nơi còn có sáng kiến kẻ vạch sơn, làm vách ngăn để thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với đó, mọi người tích cực bảo đảm vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, các không gian công cộng… Từ năm 2017, thành phố triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng. Quy tắc này đã giúp người dân hình thành nhiều thói quen tốt. Trong đó, các quy tắc như: Tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy, quy tắc nơi công cộng, giữ gìn, bảo vệ môi trường… đã góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH và TT) Hà Nội Tô Văn Động cho biết: “Đầu tháng 3-2020, Sở VH và TT có công văn yêu cầu 30 quận, huyện, thị xã của thành phố tăng cường tuyên truyền thực hiện QTƯX nơi công cộng, góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tập trung vận động người dân hạn chế ra đường, không xả rác bừa bãi, chủ động dọn vệ sinh, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Việc triển khai QTƯX đã giúp người dân quen với nếp ứng xử văn minh ở nơi công cộng; đồng thời khơi dậy, lan tỏa ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống dịch”. 

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những trường hợp vi phạm. Chỉ sau một vài ngày đầu tháng 4, các khu vực công cộng quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang, một số khu vực ở hồ Tây hay Công viên Thống Nhất... đã xuất hiện người đi tập thể dục túm năm, tụm ba. Nhiều người đi đến nơi công cộng, nhưng “quên” đeo khẩu trang, buộc lực lượng chức năng phải xử phạt. Ngoài ra, cũng có không ít cửa hàng, cửa hiệu “lén lút” mở cửa đón khách, hoặc tìm cách lách quy định để hoạt động. Đến cuối tháng 4, một số khu vực hàng quán hoạt động rầm rộ trở lại. Tại ngõ Thái Thịnh 1 (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa), tình trạng họp chợ lấn chiếm lối đi lại tái diễn; chợ cóc tại ngõ 475, đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam hoạt động rất sôi nổi, nhiều người bỏ qua các hình thức phòng, chống bệnh tật. Tại các chợ dân sinh ở quận Ba Đình, Long Biên, Bắc Từ Liêm..., xuất hiện nhiều người không đeo khẩu trang. 

Hoạt động tương thân, tương ái nở rộ khắp nơi. Song, tại một số điểm phát thực phẩm miễn phí như điểm phát gạo miễn phí ở Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) diễn ra tình trạng chen nhau để nhận hàng. Dù chỉ là số ít nhưng những hiện tượng này cho thấy vẫn còn một bộ phận người dân hành xử thiếu văn hóa, không tôn trọng lợi ích cộng đồng. 

Sức mạnh chiến thắng dịch bệnh 

Có lẽ, cho đến mãi sau này, người Hà Nội vẫn còn kể những câu chuyện cảm động về sự hy sinh vì cộng đồng của những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch, những câu chuyện về tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Người Hà Nội đã ứng xử rất văn minh, thực hiện tốt các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh nơi công cộng. Những nét đẹp ấy là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, kết quả thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong những năm qua. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là có những nét đẹp xuất hiện trong đại dịch, nay lại không được duy trì. Trong trạng thái bình thường mới, người ta ít giúp đỡ nhau hơn khi hoạn nạn; nhiều va chạm nhỏ trong cộng đồng lại thành “to chuyện”; nhiều hành vi ứng xử không đẹp lại xuất hiện nơi công cộng, như xả rác, chen chúc khi xếp hàng... Đó là lý do Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QTƯX nơi công cộng; đồng thời, xem xét, bổ sung các quy tắc mới vào QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Dẫu vậy, QTƯX mới chỉ giải quyết được phần “ngọn”. Nhìn xa hơn, vấn đề của xây dựng văn hóa, bồi đắp nhân cách con người Hà Nội hiện nay chính là quá trình gạn đục, khơi trong. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thăng Long, là người nhiều năm gắn bó với văn hóa Hà Nội. Ông tâm sự: “Dịch bệnh là dịp để “kiểm chứng” lòng người, “kiểm chứng” quá trình xây dựng văn hóa. Nói đến văn hóa là nói đến sự tự giác, rèn luyện để hình thành những phẩm chất, những thói quen tốt đẹp. Nhiều người hay muốn xử phạt nặng những hành vi này, hành vi khác. Nhưng điều chúng tôi muốn hướng đến chính là ý thức con người. Đấy mới là gốc rễ. Thành phố cần tiếp tục tuyên truyền, vận động mạnh mẽ. Đồng thời, tăng cường giáo dục từ trong nhà trường để phát huy những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội. Đó là lòng nhân ái, sự nhân hậu, tinh thần đoàn kết cộng đồng và những nét ứng xử đẹp khác. Có thể coi đấy là một “thương hiệu” của thành phố, của quốc gia. Trong thời gian chống dịch, cũng xuất hiện những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Nhưng phải khẳng định đó là hiện tượng cục bộ. Chúng ta cũng phải làm thế nào để những người làm sai tự xấu hổ với chính mình, với cộng đồng, để nhân lên điều tốt đẹp, ngăn chặn cái xấu, cái ác từ trong mỗi người”.

Trong lịch sử hơn 1.000 năm của Hà Nội, những ngày tháng đầu năm 2020 mãi là một dấu ấn, Hà Nội đã từng là tâm dịch Covid-19 của cả nước, nhưng dịch đã bị đẩy lùi, Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhìn lại quá trình vừa qua cho thấy, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Đảng, Chính phủ, của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, thành công của Hà Nội có sự đóng góp quan trọng của yếu tố văn hóa, con người. Trong khó khăn, yếu tố văn hóa, con người Hà Nội đã làm nên sức mạnh để chiến thắng. Nhìn lại, để chúng ta tiếp tục dựng xây, vun đắp văn hóa người Hà Nội, để những phẩm cách tốt đẹp của người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, đồng thời rất đoàn kết, trọng nghĩa, trọng tình không chỉ tỏa sáng khi khó khăn, mà tỏa sáng trong cuộc sống đời thường. 

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 30-6, 3-7-2020.