Nghiên cứu phương án xây dựng đền thờ Ngô Quyền

Hà Nội là quê hương của Anh hùng dân tộc Ngô Quyền, đồng thời, cũng là nơi Ngô Quyền chọn làm nơi đóng đô. Kỷ niệm 1080 năm Ngày Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa, đã có nhiều hoạt động nhằm tri ân, khẳng định công lao của người mở đầu nền độc lập của đất nước. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và các nhà khoa học, UBND thành phố Hà Nội đã giao Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu phương án xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa.

Du khách tham quan di tích lăng Ngô Quyền tại làng Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: ĐĂNG ANH
Du khách tham quan di tích lăng Ngô Quyền tại làng Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: ĐĂNG ANH

Sau gần 1.000 năm Bắc thuộc, thế kỷ thứ 10 là thời điểm then chốt trong sự nghiệp giành lại độc lập, tự chủ của dân tộc ta, đánh dấu bằng việc các cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ và Dương Đình Nghệ. Tuy nhiên, phải đến sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo, thì thời kỳ độc lập của dân tộc được mở ra. Điều đặc biệt, nếu như Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ chỉ xưng Tiết độ sứ - một chức quan của triều đình phương Bắc cai quản nước ta thời bấy giờ thì Ngô Quyền đã xưng Vương và định đô ở Cổ Loa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số quan điểm lại “làm mờ” vai trò của Ngô Quyền. Đồng thời, lại có quan điểm cho rằng, quê hương Ngô Quyền “ở đâu đó giữa Thanh Hóa - Nghệ An”. Nhân Kỷ niệm 1080 năm ngày Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa, được sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước”, khẳng định những đóng góp của Ngô Quyền với đất nước.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Gần đây, có người lập luận Ngô Quyền xưng Vương chỉ mới là sự “độc lập về chính trị”, còn chưa có quốc danh, cương vực, hệ thống chính quyền các cấp... Tuy nhiên, các sử liệu đều nói rõ về lãnh thổ, về việc định đô và xây dựng chính quyền độc lập của Ngô Quyền. Hơn nữa, không thể phủ nhận chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa quyết định cho việc chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc. Việc Ngô Quyền không định đô ở Đại La, mà đặt ở Cổ Loa để khẳng định việc nối tiếp truyền thống quốc gia Âu Lạc thời An Dương Vương. Điều này rất ý nghĩa, ông đã khẳng định độc lập dân tộc ở chính địa điểm mà chúng ta đã bị mất nước. Các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm nếu Vua Hùng là Tổ dựng nước, thì Ngô Quyền chính là vị Tổ trung hưng của dân tộc.

Đối với quan điểm về quê hương của Ngô Quyền, Phó Giáo sư Nguyễn Minh Tường đã đưa ra những chứng cứ chắc chắn, dựa trên nhiều nguồn sử liệu, tài liệu dân tộc học, ngôn ngữ học, Hán Nôm khác nhau. Quan điểm quê hương Ngô Quyền không phải ở Đường Lâm vì một số người cho rằng cái tên Đường Lâm ở Sơn Tây mới chỉ xuất hiện năm 1964, còn thời Ngô Quyền, chưa có tên này. Thực tế, địa danh Đường Lâm ở Sơn Tây đã được chép trong nhiều tư liệu cổ, điển hình như trong cuốn Việt điện u linh (vào thế kỷ 14) nêu chuyện Phùng Hưng là vị thần đã hiển linh giúp Ngô Quyền đánh quân Nam Hán. Câu chuyện trong Việt điện u linh chép dựa trên câu chuyện truyền khẩu ở Đường Lâm. Ngoài ra, còn nhiều tấm bia đá cổ cũng đề cập địa danh Đường Lâm ở Sơn Tây. Phó Giáo sư Nguyễn Minh Tường nhấn mạnh: “Ở Đường Lâm, ngoài các tư liệu sử học, còn rất nhiều tư liệu điền dã khẳng định nơi đây là quê hương Ngô Quyền”.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 60 di tích liên quan đến Ngô Quyền, nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố. Hà Nội hiện có bốn di tích. Quan trọng nhất là di tích lăng và đền thờ Ngô Quyền ở làng Đường Lâm quê hương ông. Phó Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết: “Những năm qua, nhân dân và chính quyền thị xã Sơn Tây luôn quan tâm, tu bổ cụm di tích liên quan đến Ngô Quyền. Tại đây, không chỉ có lăng, đền thờ, mà còn nhiều di sản, địa danh liên quan đến thân thế, sự nghiệp Ngô Quyền khi xưa. Nổi tiếng nhất là rặng duối cổ thụ, tương truyền là nơi buộc voi chiến của quân Ngô Quyền. Hiện nay, ngoài việc quản lý, chăm sóc đền và lăng Ngô Quyền do cơ quan chức năng và nhân dân thực hiện, các giáo viên và học sinh Trường THCS Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) trên địa bàn nhận chăm sóc lăng. Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm, các em học sinh đến đây để ôn lại truyền thống xưa, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống của cha ông”. Chủ tịch Hội Di sản Thăng Long - Hà Nội, Tiến sĩ Lưu Minh Trị cho biết, trong bốn di tích thờ Ngô Quyền ở Hà Nội, ngoài lăng và đền, thì một số di tích khác chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Tiến sĩ Lưu Minh Trị đề nghị thành phố cần quan tâm hơn nữa đến các di tích liên quan người có công lớn với đất nước như Ngô Quyền.

Hà Nội vừa là nơi Ngô Quyền sinh ra, vừa là nơi ông chọn để định đô. Tuy nhiên, tại Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh) hiện chưa có một công trình nào tôn vinh những đóng góp của ông trong công cuộc giành lại độc lập dân tộc. Các nhà khoa học đều cho rằng, việc thiếu một công trình tưởng niệm Ngô Quyền tại Cổ Loa là một thiếu sót lớn. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và các nhà khoa học, ngày 11-2-2019, UBND thành phố Hà Nội đã có Thông báo số 162, giao Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu, tiến tới xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại một vị trí thích hợp. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, cho biết, ông đã nhiều năm cùng các nhà khoa học nghiên cứu di tích Cổ Loa. Theo ông, vị trí xây đền phải thận trọng, để có thể tôn vinh cả An Dương Vương lẫn Ngô Quyền, phù hợp không gian chung.