Nghệ sĩ chung tay vì sức khỏe cộng đồng

Nhiều nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ trên địa bàn Hà Nội đã tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bằng những hành động khác nhau. Người dùng âm nhạc, người thì dùng hội họa... Những hành động đó vừa như liều thuốc tinh thần, vừa đem đến giá trị vật chất cụ thể, để cùng cả nước vượt qua gian khó.

Nhóm Xẩm Hà thành trong buổi thu âm tác phẩm "Tiêu diệt Corona".
Nhóm Xẩm Hà thành trong buổi thu âm tác phẩm "Tiêu diệt Corona".

Hát xẩm là loại hình nghệ thuật dân gian dễ đi vào lòng người. Các giai điệu, ca từ của hát xẩm thường gần gũi với công chúng. Và bây giờ, hát xẩm được các thành viên nhóm Xẩm Hà thành ứng dụng để truyền bá chống dịch Covid-19. Ðược sáng tác và ra mắt công chúng từ cuối tháng 3, bài xẩm "Tiêu diệt corona" nhanh chóng được mọi người yêu thích. Trên nền nhạc truyền thống, ngay từ khi mới "vào đề", khán giả đã được thấy "không khí" của chiến dịch: "Lệnh truyền hỏa tốc/Thời hỡi các cấp/Hãy mau mau/Giặc corona đã đến nước Nam/Thì phải diệt cho bằng hết". Bài hát cũng đưa ra những "chỉ dẫn" về cách phòng, chống dịch một cách hết sức dí dỏm, từ việc rửa tay bằng xà-phòng, cho đến "Hãy nhớ khống chế cánh tay/ Không được loay hoay/Cho tay lên mắt..."; những nghệ sĩ cũng không quên "nhắc nhở" câu chuyện một số người đưa ra yêu sách khi về nước cách ly... Nội dung bài hát cũng có đoạn thể hiện toàn dân đoàn kết chống dịch: "Doanh nhân chung sức/Nghệ sĩ chung tay/Nhân dân cùng góp/Cảnh giác nêu cao/Phòng dịch khắp nơi nơi/Corona mà thò ra/Là ta cùng diệt hết"... Tác giả lồng ghép những cụm từ phổ biến trong cộng đồng mạng như "corona xa ta ra". Bài hát được sáng tác bởi nhạc sĩ Nguyễn Quang Long. Các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Văn Phương thể hiện chính, Nguyễn Quang Long, Phạm Trang, Phạm Dũng, Ngọc Xuân hát phụ họa. Chỉ ít ngày sau khi phát hành trên kênh YouTube của nhóm, bài "Tiêu diệt corona" của nhóm Xẩm Hà thành đã thu hút được gần 18 nghìn lượt xem. Bài xẩm này còn được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội, trên nhiều tờ báo điện tử khác nhau.

Xẩm Hà thành là nhóm nhạc được thành lập bởi nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Nhóm đã có nhiều hoạt động khôi phục nét đẹp của hát xẩm Hà Nội xưa. Xẩm Hà thành cũng là nhóm nhạc có các bài hát tuyên truyền về văn hóa giao thông, quảng bá nét đẹp của Hà Nội hay phản ánh các vấn đề nổi cộm của xã hội... Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ: "Từ khi ra đời, hát xẩm đã là loại hình nghệ thuật của nhân dân vì nó gần gũi, thân thuộc. Bởi vậy, đây cũng là ưu thế của xẩm so với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác khi tiếp cận, truyền tải thông điệp về các vấn đề có tính thời sự. Nhóm Xẩm Hà thành quan niệm, cùng với công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, chúng tôi luôn nỗ lực đưa xẩm sống trong đời sống xã hội. Dịch Covid-19 là vấn đề lớn của toàn xã hội. Bởi vậy chúng tôi đã nhanh chóng bắt tay sáng tác, rồi ghi hình và phát hành. Trong các điệu khác nhau của xẩm, chúng tôi chọn điệu xẩm sai vì thấy phù hợp nhất. Hy vọng qua bài hát, chúng tôi được góp phần cùng cả nước chống dịch bệnh".

Phòng, chống dịch Covid-19 là trách nhiệm của toàn xã hội. Cộng đồng những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, từ chuyên nghiệp đến không chuyên đã có những hoạt động tích cực để vận động mọi người tham gia. Nếu nhóm Xẩm Hà thành truyền tải đến công chúng thông điệp chống dịch bằng âm nhạc thì nhóm Ký họa Ðô thị Hà Nội (Urban Sketcher Hanoi) lại tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng thông qua chương trình "Thử thách 14 ngày". Nhóm Ký họa Ðô thị Hà Nội là diễn đàn hiện gồm 5.300 thành viên trên mạng xã hội Facebook. Sau khi phát động, đã có hàng trăm người tham gia một hành trình vẽ tranh liên tục trong 14 ngày. Những bức tranh liên tục được gửi đến diễn đàn, và những người phụ trách diễn đàn được một dịp "mỏi mắt" để phân loại rồi đưa lên mạng. Ðó là những câu chuyện về cuộc sống của những gia đình trong ngày cách ly, khi cả nhà cùng tập thể dục trong nhà, khi những bạn trẻ cùng hát bài hát vận động rửa tay, khi con cái học qua truyền hình... Ðó cũng là những hình ảnh xúc động khi các bác sĩ hối hả giành sự sống cho bệnh nhân, hay khoảnh khắc yêu thương khi người dân tiếp tế đồ ăn giúp đỡ bác sĩ... Ban tổ chức không giới hạn về chủ đề, cho nên hình ảnh Hà Nội thân thương cũng hiện lên qua rất nhiều tác phẩm. Ðó là một căn biệt thự trầm mặc, một gốc sưa đang bung nở, hay một đoạn phố thân quen... Những góc nhìn khác nhau về Hà Nội tiếp thêm động lực cho mọi người trong những ngày khó khăn cùng cả nước phòng dịch. Khó có thể nói hết sự lan tỏa của "Thử thách 14 ngày". Khi mọi người đều ở nhà, thực hiện cách ly xã hội, thì những bức họa vẫn lan truyền mạnh mẽ trên không gian mạng xã hội. Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, một thành viên sáng lập Ký họa Ðô thị Hà Nội chia sẻ, chị và mọi người không muốn chuỗi ngày phòng, chống Covid-19 là chuỗi ngày đếm và cập nhật các ca bệnh. "Chiến dịch" vẽ ký họa 14 ngày muốn mọi người sống bình tĩnh, tin vào chính mình, hãy nuôi dưỡng tình yêu và đam mê, nuôi dưỡng niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Nhóm Ký họa Ðô thị Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức đấu giá những bức tranh, dành một nửa số tiền thu được để ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Hành động đấu giá tranh lấy tiền ủng hộ chống dịch bệnh cũng đang được nhiều họa sĩ, nhóm họa sĩ khác thực hiện. Hoạt động của những nhóm văn nghệ sĩ đem đến cho mỗi chúng ta những liều thuốc tinh thần, đồng thời, cả những giá trị vật chất để đồng hành cùng xã hội vượt qua gian khó.