Ngăn chặn bạo lực học đường

Đằng sau những vụ bạo lực học đường là mâu thuẫn có thể đã không bùng nổ, nếu được biết trước và có hướng giải quyết kịp thời. Trách nhiệm này thuộc về trường học lẫn gia đình học sinh.

Ba nguyên nhân chính của bạo lực học đường

Những ngày qua, vụ năm nữ sinh đánh hội đồng và lột quần áo khiến học sinh H.Y lớp 9 trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) phải nhập viện để điều trị chứng hoảng loạn khiến dư luận xã hội lo ngại bởi mức độ nghiêm trọng của các vụ bạo lực học đường. Đáng nói hơn trong vụ việc này là sự im lặng chịu đựng của nữ sinh sau nhiều lần bị đánh, cũng như sự vào cuộc chậm trễ, không giải quyết dứt điểm của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh đồng thời có sự can thiệp kịp thời của công tác tư vấn học đường.

Tại cuộc tọa đàm, Phòng chống bạo lực học đường do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cùng báo Kinh tế - Đô thị tổ chức ngày 4-4 vừa qua, cô Hoàng Bảo Ngọc, giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) chia sẻ: “Thường những vấn đề tâm lý của học sinh không phải do gia đình phát hiện báo cho nhà trường, mà do giáo viên chủ nhiệm chủ động nắm bắt, đề xuất với Ban Giám hiệu. Trường có một đội ngũ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp cho học sinh, cho nên đã phát hiện kịp thời nhiều vấn đề phát sinh là mầm mống của những hành xử bạo lực, gây tổn thương cho bản thân hoặc bạn bè các em”. Cô Ngọc cho biết: “Có nhiều trường hợp, các em chịu áp lực, bởi kỳ vọng rất lớn của gia đình về thành tích học tập dẫn đến bị stress. Hoặc các em gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống nhưng không được chia sẻ với ai. Có thể bố mẹ quá mải mê công việc, hoặc cách tiếp cận, tâm sự của các bậc phụ huynh chưa phù hợp. Hiện các phòng tâm lý của nhà trường có thầy cô tư vấn tâm lý cho các con. Nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề phải từ phía bạn bè, gia đình”.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bạo lực học đường, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết có ba nguyên nhân chính: “Thứ nhất là sự phát triển tâm lý, sinh lý của học sinh. Học sinh là lứa tuổi có những biến động khác nhau, đây là một quy luật bình thường. Nhưng hiện nay, nhiều em bị ảnh hưởng từ mạng xã hội, từ người lớn nên có những hành vi quá mức cần thiết. Một phần do các em không được giáo dục đến nơi đến chốn, đầy đủ từ gia đình và nhà trường. Thứ hai, vấn đề quản lý giáo dục của nhà trường và gia đình chưa thật sự hiệu quả. Có thể nhận thấy, những trường quản lý tốt thường không xảy ra các vấn đề này. Thứ ba là việc xử lý chưa phù hợp dẫn tới học sinh vi phạm khó có thể thay đổi hành vi xấu. Nhà trường không nên đuổi học học sinh gây ra bạo lực học đường, tuy nhiên, nên có khung phạt hành chính, bố mẹ cũng phải chịu trách nhiệm. Nhà trường có thể phạt lao động nhiều ngày để học sinh “ngấm” được cái sai của mình một cách nghiêm túc chứ không phải chỉ làm để đối phó. Ngành giáo dục, công an cần nghiên cứu để tìm ra hình thức xử lý hợp lý, có tính chất răn đe, nhưng tuyệt đối không được đuổi học học sinh”.

Kết nối gia đình và trường học

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội nhấn mạnh, trong công tác giáo dục học trò thì gia đình đóng vai trò then chốt bên cạnh trách nhiệm của nhà trường. “Học sinh chỉ có từ 5 đến 8 tiếng ở trường, phần lớn thời gian còn lại các em ở nhà. Tuy nhiên, nhà trường không bao giờ được chối bỏ trách nhiệm mà trách nhiệm đầu tiên là Hiệu trưởng rồi đến giáo viên chủ nhiệm. Bên cạnh đó, là trách nhiệm của gia đình học sinh” - cô Nhiếp chia sẻ.

Một trong những biện pháp tăng cường sự liên kết này tại Trường THPT Yên Hòa là việc chủ động chia sẻ đặc điểm tâm lý, sinh lý của học sinh trong các buổi họp phụ huynh. “Tôi phải là người chủ động, đặt vấn đề, khơi gợi để phụ huynh chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong giáo dục con. Tôi cũng chủ động đề xuất phụ huynh gọi điện thoại, nhắn tin cho tôi để chia sẻ, cùng giải quyết. Có những việc, phụ huynh khó trao đổi với con, nhưng tôi nói với học trò lại rất dễ. Tuy vậy không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng đón nhận thiện chí đó" - cô Nhiếp cho biết.

Các chuyên gia cũng chia sẻ: Gia đình cần đồng hành với nhà trường trong giáo dục con cái, nhận trách nhiệm và có phương pháp đồng bộ thì mọi vấn đề học sinh gặp phải sẽ sớm được giải quyết triệt để, trước khi để xảy ra những hành vi bộc phát dẫn tới hậu quả khó lường.