Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) ngày 9-6-2014 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"(Nghị quyết số 33), TP Hà Nội đã triển khai các giải pháp đồng bộ để xây dựng văn hóa, con người Thủ đô xứng đáng tầm vóc Thủ đô văn hiến, đại diện tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam.

Hoạt động văn hóa tại không gian đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm được đánh giá là điểm nhấn của thành phố sáng tạo.
Hoạt động văn hóa tại không gian đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm được đánh giá là điểm nhấn của thành phố sáng tạo.

Thành phố đã đạt nhiều thành tựu toàn diện trong phát triển văn hóa, con người, nhưng vẫn cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thách thức.

Nhiều thành tựu trong phát triển văn hóa, con người

Ngay sau khi Nghị quyết số 33 được ban hành, Ðảng bộ Hà Nội đã tổ chức các lớp học tập, quán triệt tới các tổ chức đảng, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Thành phố đã ban hành 32 văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, trọng tâm là Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 10-10-2014 của Thành ủy và các kế hoạch của UBND thành phố. Các hoạt động triển khai Nghị quyết số 33 được gắn với thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", tập trung vào hai nội dung chính là phát triển văn hóa gắn với xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống người Thủ đô thanh lịch, văn minh, hoàn thiện hệ thống chính sách, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống; xây dựng con người Thủ đô tiêu biểu cho cả nước về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng đời sống văn hóa.

Từ định hướng này, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ sáu nhiệm vụ trọng tâm, bốn giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện được ưu tiên hàng đầu và triển khai bằng nhiều giải pháp như: Ban hành và thực hiện Quy tắc ứng xử; nâng cao chất lượng giáo dục; đầu tư xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát triển con người cả về tinh thần lẫn thể chất… Ðáng chú ý, TP Hà Nội là địa phương đi đầu trong xây dựng văn hóa trong chính trị thông qua việc chăm lo xây dựng văn hóa trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Việc xây dựng văn hóa chính trị gắn liền với thực hiện tốt nhiệm vụ của năm "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" và Quy tắc ứng xử.

Trong 5 năm qua, nguồn kinh phí bố trí cho lĩnh vực văn hóa của thành phố đạt hơn 4.280 tỷ đồng; huy động hơn 4.300 tỷ đồng vốn xã hội hóa đầu tư cho 38 dự án; đồng thời, thu hút hơn 164 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, di sản được đầu tư bảo tồn, văn hóa ứng xử người Hà Nội được cải thiện, nhất là ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, môi trường văn hóa ngày một lành mạnh, nhiều mô hình hoạt động văn hóa ra đời. Sở Nội vụ tập trung xây dựng phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng kết hợp kiểm tra, giám sát, xây dựng và hoàn thiện tiêu chí đánh giá cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ Sở Nội vụ nói riêng và đội ngũ công chức trên địa bàn nói chung. Ðể nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa, huyện Thanh Oai đã xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu", nâng cao tiêu chí của "Làng văn hóa", từ đó, hình thành những chuẩn mực văn hóa cao hơn trong xây dựng văn hóa ở nông thôn, khuyến khích các địa phương khác làm theo. Từ việc thực hiện Nghị quyết 33, huyện Thường Tín đã vận động người dân hăng hái bảo tồn, phát huy giá trị di sản, qua đó, tiến hành khôi phục, phát triển một số loại hình văn hóa truyền thống như: Nghề thêu phục chế ở thôn Ðông Cứu, hát trống quân ở Khánh Hạ, tu bổ nhiều di tích trên địa bàn… Việc phát triển con người thể hiện rõ nhất ở chất lượng giáo dục được nâng lên. Hà Nội là lá cờ đầu của giáo dục toàn quốc. Học sinh Thủ đô được học bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh" để phát triển toàn diện về kiến thức và văn hóa ứng xử.

Ðưa văn hóa trở thành "sức mạnh mềm"

Xây dựng văn hóa, con người không chỉ đem lại môi trường văn hóa lành mạnh, nền nếp ứng xử nhân văn, con người giàu tri thức, mà những chính sách hợp lý đã đưa văn hóa trở thành thương hiệu của Thủ đô Hà Nội, là "sức mạnh mềm" tạo nên sức hấp dẫn của Hà Nội với điểm nhấn là hệ thống di sản và văn hóa ứng xử. Từ đó, văn hóa đang góp phần tích cực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thông qua hoạt động du lịch và gần đây là phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, việc triển khai Nghị quyết số 33 còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người, cho nên việc triển khai còn mang tính thụ động, hình thức; việc tập trung các điều kiện để đầu tư toàn diện cho con người với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa chưa được tương xứng với tầm vóc của Thủ đô; phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển chưa đều, chưa thường xuyên, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều đổi thay, việc xây dựng, phát triển văn hóa con người càng được chú trọng. Ðể phát huy các giá trị văn hóa, TP Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, với nền tảng là sáng tạo các giá trị văn hóa để phát triển đô thị bền vững. Thành phố đã bước đầu thành công trong xây dựng thành phố sáng tạo với việc phát triển các làng nghề, xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố sách 19-12…; phát triển các mô hình không gian sáng tạo cộng đồng. Ðây là nền tảng để xây dựng, phát triển thành phố sáng tạo, nâng tầm "sức mạnh mềm" văn hóa cho Hà Nội. Tại buổi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Hà Nội đang phấn đấu trở thành thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ðây sẽ là tiền đề và động lực quan trọng để Hà Nội vươn lên tầm cao mới. Ðể làm được điều đó, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng bộ, chính quyền thành phố, hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, còn cần sự đồng thuận xã hội, sự tham gia trách nhiệm, tự nguyện, tự giác của cộng đồng và mỗi người dân Thủ đô để chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển văn hóa và con người thật sự tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc".