Nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm tại các làng nghề

Hiện tại, các làng nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo, chế biến nông sản, thực phẩm ở Hà Nội đang nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Nhu cầu sản xuất lớn trong khi phương thức sản xuất vẫn chủ yếu là thủ công tại các cơ sở nhỏ lẻ, nằm trong các khu dân cư, gây ra nhiều mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản xuất miến dong tại Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương, huyện Hoài Đức.Ảnh: TRẦN LÊ
Sản xuất miến dong tại Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương, huyện Hoài Đức.Ảnh: TRẦN LÊ

Những ngày giáp Tết, không khí sản xuất ở làng chè lam Thạch Xá (huyện Thạch Thất) thật rộn ràng. Bếp nhà nào cũng đỏ lửa như xua đi cái lạnh của ngày đông. Từ một thứ quà quê, chè lam Thạch Xá nay đã được đóng gói, có bao bì, nhãn mác, được đưa đi phân phối khắp nơi, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất đã tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 20 cơ sở sản xuất chè lam trên địa bàn. Những người tham gia sản xuất, chế biến chè lam được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ. Nhưng hầu hết các công đoạn làm bánh vẫn diễn ra thủ công. Phần lớn, người dân chưa có ý thức sử dụng găng tay và đồ bảo hộ lao động. Mặt bằng sản xuất chật chội, người dân phải tận dụng không gian sinh hoạt tại gia đình làm nơi sản xuất. Thậm chí, nhiều hộ còn tận dụng đường làng làm nơi sản xuất, dẫn đến khó tránh khỏi bụi bẩn, mất an toàn thực phẩm.

Tình trạng này cũng tương tự như ở làng nghề sản xuất miến Dương Liễu (huyện Hoài Đức). Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết, ba tháng trước Tết là vụ sản xuất chính của làng nghề. Cả làng có 80 hộ làm miến, mỗi ngày, mỗi hộ sản xuất được khoảng một tấn miến. Ngoài số ít cơ sở được đầu tư máy móc khá hiện đại thì tại đây vẫn còn nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, thủ công. Hiện người dân tận dụng mặt bằng ngoài cánh đồng, khi đã thu hoạch xong để làm nơi phơi miến. Nhưng vẫn còn một số hộ phơi miến ở ven đường. Chính quyền địa phương hằng năm đều tổ chức các buổi tập huấn riêng cho các hộ sản xuất, nhưng phần lớn các hộ dân đều "ngại" đi học. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu, thoát nước trong làng nghề thường xuyên bị ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh bánh kẹo, rượu cũng là sản phẩm làng nghề được tiêu thụ nhiều mỗi dịp Tết đến. Làng Bá Giang (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) hiện có tới 336 hộ đang trực tiếp sản xuất các sản phẩm rượu. Dù theo quy định, cơ sở sản xuất rượu phải có giấy phép hoạt động, phải có thương hiệu và bao bì nhãn mác mới được bán sản phẩm ra thị trường; khi nhập gạo, ngô để nấu rượu phải có hóa đơn, giấy chứng nhận nguồn nguyên liệu... Ý thức, thói quen sản xuất của người dân còn hạn chế, cho nên rất khó bảo đảm các điều kiện về môi trường, trang thiết bị sản xuất. Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan chia sẻ, khi đoàn công tác đi kiểm tra, phát hiện một hộ nấu rượu truyền thống đang chứa tới 100 lít rượu trong nhà. Khi hỏi giấy phép kinh doanh thì chủ hộ khẳng định, 100 lít rượu đó nấu để... gia đình uống, không bán ra ngoài cho nên không đăng ký giấy phép. Những trường hợp như vậy khiến cán bộ gặp không ít khó khăn trong quản lý.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 200 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hầu hết là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nằm trong các khu dân cư, gây ra nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý an toàn thực phẩm. Các lỗi mà những cơ sở sản xuất này thường mắc là thiếu giấy tờ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, sắp xếp trang, thiết bị thiếu khoa học, chưa bảo đảm vệ sinh, người lao động thiếu đồ bảo hộ…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch, thành lập ba đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố để kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các sở, ngành về vấn đề an toàn thực phẩm. Các quận, huyện, xã, phường cũng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh, chợ... trên địa bàn. Các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không để sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường.

Đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các làng nghề, chính quyền địa phương cần phối hợp các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm cho người sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện mở rộng mặt bằng sản xuất, khuyến khích áp dụng phương pháp sản xuất mới; xây dựng và phát triển các mô hình điểm làng nghề sản xuất thực phẩm truyền thống tiên tiến; tăng cường quảng bá, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm uy tín… “Cơ quan chức năng sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, giúp người dân yên tâm ăn Tết” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung khẳng định.