Nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động

Cải thiện điều kiện làm việc, kiểm soát nguy cơ, nâng mức xử phạt là những nội dung chính được TP Hà Nội triển khai trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020, diễn ra từ ngày 1 đến 31-5.

Công nhân Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh) được đo thân nhiệt trước khi vào làm việc. Ảnh: Lương Hằng
Công nhân Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh) được đo thân nhiệt trước khi vào làm việc. Ảnh: Lương Hằng

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn trong quá trình làm việc, tuy nhiên, trong thực tế, các vụ tai nạn đã và đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát của người lao động cũng như người sử dụng lao động. Ngày 22-1-2020 (28 Tết Nguyên đán Canh Tý), khi đang thu dọn rác tại số 140 đường Kim Mã (quận Ba Đình), anh Phạm Minh Dương, công nhân môi trường bất ngờ bị một chiếc xe ô-tô đâm và đè lên chân phải. Vụ tai nạn đã để lại hậu quả nghiêm trọng, anh Dương bị gãy, giập xương bàn chân phải, buộc phải nghỉ làm chữa bệnh bốn tháng nay. Để động viên người lao động không may bị tai nạn, nhân dịp này, Công đoàn ngành xây dựng Hà Nội đã đến tận nơi anh Dương đang thuê trọ động viên anh yên tâm điều trị để sớm quay lại công tác. Khác với anh Dương, tai nạn của chị Hoàng Thị Luyến, công nhân cơ sở may Yên Lạc, Xí nghiệp may Minh Hà (huyện Hoài Đức) lại đến từ sự bất cẩn của chính bản thân chị. Chỉ vì một thoáng không tập trung trong lúc làm việc, chị Luyến đã bị máy dập đập xuống bàn tay, buộc phải rút gân ba ngón tay để cứu chữa. Chị Luyến phải nghỉ làm nhiều tháng để chữa trị, ảnh hưởng tới sức khỏe của chị và cuộc sống gia đình.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 452 vụ tai nạn lao động, làm 464 người chết và bị thương, tăng 83 số vụ tai nạn và tăng 84 người so với năm 2018. Song trên thực tế con số này chắc chắn sẽ lớn hơn, bởi nhiều doanh nghiệp, đơn vị không kê khai trung thực các vụ việc tai nạn. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Dương…, Hà Nội là địa phương có số người chết vì tai nạn lao động cao trong cả nước. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động chủ yếu do người lao động và chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn chủ quan, chưa chú trọng bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc.

Năm nay, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động có chủ đề: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Để việc triển khai đạt hiệu quả thiết thực, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 43/QĐ-UBND về tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động thành phố năm 2020. Theo đó, nhiều địa phương, đơn vị khối hành chính, văn phòng triển khai phong trào thi đua xây dựng cơ quan “Xanh - sạch - đẹp - bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”. Trong khối sản xuất, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, công tác bảo đảm an toàn cho người lao động được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Các cấp công đoàn đã chủ động trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, dựng vách ngăn bàn ăn tại bếp ăn ca. Tại Công ty Thép Đông Anh, để bảo đảm an toàn cho 336 người lao động, công ty đã thực hiện chế độ làm việc giãn cách 50% lao động trực tiếp, 50% làm việc tại nhà. Mọi trao đổi công việc được thực hiện trực tuyến, hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp.

Cùng với việc cải thiện điều kiện lao động, các cơ quan chức năng thành phố đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động. Giai đoạn 2017 - 2019, lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính hơn 100 doanh nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc, cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải nâng cao nhận thức, nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Các cơ quan chức năng của thành phố luôn chú trọng đôn đốc việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tiếp nhận kiến nghị của người lao động về nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy trình an toàn... Đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động nhằm trang bị cho họ những kiến thức cơ bản khi làm việc.

Tuy nhiên, trên thực tế các cán bộ làm công tác lao động - thương binh, xã hội tại Hà Nội từ thành phố đến cơ sở đang gặp không ít khó khăn khi thiếu các chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động. Hiện các sai phạm chủ yếu dừng ở mức độ xử lý hành chính, cho nên nhiều chủ doanh nghiệp không thực hiện nghiêm. Xuất phát từ thực tiễn này, TP Hà Nội đang đề nghị các cơ quan liên quan của Trung ương điều chỉnh, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến việc tăng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm an toàn, vệ sinh lao động bảo đảm đủ sức răn đe.