Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành

Thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Đó là tinh thần của cuộc đối thoại được tổ chức gần đây giữa đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với đại diện các cán bộ làm công tác mặt trận từ thành phố đến cơ sở của Hà Nội. Những câu hỏi đầy tính thời sự được nêu lên đã gợi mở các giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của thành phố trong thời gian tới.

Các đại biểu tại buổi đối thoại.Ảnh: DUY LINH
Các đại biểu tại buổi đối thoại.Ảnh: DUY LINH

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Anh Tuấn, thời gian qua, công tác đối thoại luôn được các cấp, các ngành của thành phố coi trọng để tạo đồng thuận từ cơ sở. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6525-QÐ/TU ngày 25-9-2015 về "Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội" và Quyết định số 2200-QÐ/TU ngày 25-5-2017 về "Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội". Từ lãnh đạo thành phố đến người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền hằng năm đều tổ chức đối thoại, lắng nghe người dân, doanh nghiệp. Từ đầu năm 2019 đến nay, 26 quận, huyện, thị xã của thành phố đã tổ chức đối thoại định kỳ. Các ý kiến nêu ra tại các cuộc đối thoại đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp thu, giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu đại diện cho cán bộ mặt trận của các địa phương tập trung đưa ra những câu hỏi liên quan đến công tác xây dựng Ðảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Chương đề nghị làm rõ việc thực hiện Quy định số 205-QÐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phạm Bá Vĩnh đề nghị cho biết chủ trương của Thành ủy trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội của Ủy ban MTTQ thành phố Phạm Lợi đề nghị làm rõ chủ trương xây dựng thành phố sáng tạo. Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ thành phố Phạm Ngọc Thảo quan tâm quan điểm của thành phố đối với quy hoạch không gian ngầm.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị lãnh đạo thành phố cung cấp những định hướng cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố 5 năm tới; giải pháp bảo vệ an ninh nguồn nước; việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô; khắc phục ô nhiễm sông hồ, nguồn nước; chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp Thủ đô, nhất là nông nghiệp chất lượng cao…

Cùng với việc yêu cầu các cơ quan liên quan thông tin về nội dung các đại biểu quan tâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã giải đáp, làm rõ thêm một số vấn đề. Như việc thực hiện Quy định số 205-QÐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, đồng chí cho biết, thành phố đã và đang quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các quy chế, quy trình trong xây dựng Ðảng và trong quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, thường xuyên rà soát, hoàn thiện bảo đảm các quy chế, quy định chặt chẽ. Ðây là nhiệm vụ quan trọng số một, vì kinh nghiệm cho thấy, những vụ việc lạm dụng quyền lực xảy ra thời gian qua chủ yếu do cán bộ buông lỏng, không thực hiện nghiêm hoặc lợi dụng các kẽ hở trong các quy chế, quy định.

Ðối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Nội đã triển khai rất mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn. Trong đó, lần đầu tiên, thành phố đã chỉ đạo rà soát việc thực hiện hơn 2.000 kết luận thanh tra của thành phố để đôn đốc thực hiện. Thời gian tới, Hà Nội sẽ thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác này, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ, dễ xảy ra sai phạm. Trả lời câu hỏi về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh, đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định, thành phố luôn xác định người dân là trung tâm, nhân tố quyết định hiệu quả của chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Do vậy, mục đích xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh là phải bảo đảm sự hài lòng của người dân và tỷ lệ tiếp cận được các dịch vụ công trực tuyến. Ðây là những vấn đề thành phố sẽ tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Bên cạnh trả lời các câu hỏi, đồng chí Hoàng Trung Hải cũng đề nghị MTTQ phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tầng lớp nhân dân đối với cán bộ, đảng viên; quyết tâm xây dựng Ðảng bộ thành phố và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy và triển khai có hiệu quả, thiết thực các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với từng khu vực, từng đối tượng. Ủy ban MTTQ các cấp, từ thành phố đến cơ sở nỗ lực phấn đấu để Mặt trận thật sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.