Nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng nhân dân cấp cơ sở

Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp cơ sở là nội dung xuyên suốt được đề cập tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp quận, huyện, thị xã” do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa tổ chức. Để việc thực hiện hiệu quả, nhiều ý kiến đề nghị cần nâng cao năng lực của các đại biểu, khắc phục tính hình thức tại các phiên giải trình, cũng như trong công tác giám sát.
Một phiên giải trình của Thường trực HĐND huyện Thạch Thất về công tác giao đất dịch vụ cho người dân và công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn. Ảnh: VIỆT TUẤN
Một phiên giải trình của Thường trực HĐND huyện Thạch Thất về công tác giao đất dịch vụ cho người dân và công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn. Ảnh: VIỆT TUẤN

Hoạt động của HĐND cấp quận, huyện, thị xã chưa đồng đều

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 của HĐND các cấp TP Hà Nội đã đi được hơn nửa chặng đường với nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực HĐND thành phố, hoạt động của HĐND quận, huyện, thị xã còn chưa đồng đều, trong nhiều trường hợp, năng lực thẩm tra, phản biện trước khi quyết định một số vấn đề quan trọng chưa thật tích cực, hoạt động giám sát có nơi còn hình thức, kém hiệu quả.

Phó Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Thị Kim Chung chia sẻ: Quá trình triển khai thực hiện hoạt động giám sát đã và đang gặp khó khăn, vướng mắc khi một số thành viên của các ban HĐND quận hoạt động không chuyên trách, cho nên chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ. Chất lượng báo cáo phục vụ giám sát của một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, việc gửi báo cáo không bảo đảm tiến độ làm ảnh hưởng hiệu quả hoạt động của HĐND. Đáng chú ý, một số kiến nghị của đoàn giám sát chưa được đơn vị thực hiện nghiêm túc, việc báo cáo kết quả khắc phục những hạn chế mà các đoàn giám sát chỉ ra chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả giám sát chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, HĐND quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung nâng cao chất lượng thảo luận tại các phiên họp toàn thể; tăng cường quyền chất vấn của đại biểu HĐND. Lựa chọn các đại biểu am hiểu và có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực được giám sát.

Còn tại huyện Thạch Thất, thời gian qua, ngoài việc thực hiện giám sát, khảo sát, Thường trực và các ban của HĐND huyện đã tập trung làm tốt công tác tổ chức các phiên giải trình giữa hai kỳ họp. Thường trực HĐND huyện Thạch Thất cho biết: Trong hai năm 2017, 2018, HĐND huyện đã tổ chức thành công hai phiên giải trình về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và giao đất dịch vụ cho nhân dân, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Sau phiên giải trình, việc bố trí đất dịch vụ tồn đọng lâu nay đã được tháo gỡ, dự kiến tháng 6 năm nay sẽ hoàn thành. Công tác quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, quản lý trường mầm non có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, đây là việc mới và khó, cho nên theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND huyện Thạch Thất, bên cạnh việc chọn trúng, đúng vấn đề, cần đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát sau phiên giải trình. Thường trực HĐND thành phố cần đôn đốc các sở, ngành giải quyết các nội dung liên quan thẩm quyền của thành phố.

Cần tăng số đại biểu chuyên trách

Dù chất lượng đại biểu đã được nâng lên, nhưng trên thực tế, năng lực của một số đại biểu HĐND chưa đáp ứng tốt vị trí, vai trò của mình, nhất là đại biểu HĐND cấp phường, xã, những người được cơ cấu từ cán bộ ở địa bàn dân cư. Vai trò đại diện của HĐND cho nguyện vọng và ý chí nhân dân trong một số trường hợp cụ thể chưa được thể hiện rõ; năng lực hoạt động của nhiều đại biểu HĐND huyện, nhất là năng lực phản biện chưa tốt. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng cần chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ nâng cao chất lượng đại biểu.

Về cơ cấu đại biểu, cũng giống như nhiều địa phương khác, hiện nay tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm tại Hà Nội vẫn khá cao, số lượng đại biểu ở các cơ quan hành chính vẫn cao, cho nên đôi lúc dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Mặt khác, do nặng về cơ cấu, cho nên một số đại biểu thiếu kỹ năng hoạt động, thường không có ý kiến thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp hay các cuộc giám sát.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian tới, nhiều ý kiến kiến nghị giảm số đại biểu kiêm nhiệm, tăng số đại biểu chuyên trách, đại biểu là cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hội, đoàn thể có trình độ và có uy tín tại địa phương. Phó Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Võ Hồng Vinh đề xuất, cần quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND. Qua đó, giúp đại biểu có kỹ năng nghiên cứu, nắm bắt thông tin, so sánh, đối chứng để khi thảo luận và quyết định một vấn đề trên cơ sở khách quan, toàn diện, không bị chi phối bởi các nguyên nhân khác. Đồng thời, xác định được vấn đề để chất vấn, cách đặt câu hỏi ngắn gọn, súc tích, chọn thời điểm chất vấn thích hợp, kỹ năng phát triển vấn đề và kiểm soát tình huống khi chất vấn.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hoạt động HĐND các cấp đều đã được quy định trong luật, nhưng có nơi làm rất tốt, có nơi làm chưa tốt, tất cả đều bắt nguồn từ những người làm công tác HĐND. Chính vì vậy, Thường trực HĐND thành phố tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp quận, huyện, thị xã” nhằm đổi mới hoạt động, con người, cách làm; hướng dẫn về kỹ năng, nhất là cho HĐND cấp xã, nơi rất sát dân, nhưng hoạt động còn nhiều khó khăn. Sau hội nghị, căn cứ những hướng dẫn, kinh nghiệm thu được, Chủ tịch HĐND thành phố mong muốn các đại biểu HĐND cấp cơ sở sớm xây dựng kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xứng đáng với sự lựa chọn của cử tri.