Nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Không có văn bản ban hành trái thẩm quyền là kết quả đáng ghi nhận của thành phố Hà Nội sau hơn hai năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về “ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ để công tác này đi vào thực chất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn.

Sau hơn hai năm triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác này trên địa bàn Thủ đô đã đi vào nền nếp, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam, từ năm 2015 đến hết tháng 7-2018, thành phố đã ban hành gần 4.500 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, HĐND, UBND thành phố đã ban hành 216 văn bản quy phạm pháp luật; các quận, huyện, thị xã ban hành 813 văn bản và cấp xã, phường, thị trấn ban hành 3.390 văn bản. Qua kiểm tra cho thấy, các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung phù hợp với pháp luật, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước của địa phương và thành phố.

Tuy nhiên, trong đợt giám sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội “Về việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2015-2018” đã ghi nhận một số bất cập, vướng mắc của các địa phương khi triển khai. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, việc thẩm định văn bản trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vì cơ quan được UBND huyện giao chủ trì soạn thảo văn bản thường không gửi đầy đủ hồ sơ thẩm định hoặc gửi muộn. Mặt khác, một khó khăn chung của các quận, huyện, nhất là khối xã, phường hiện nay, đó là trình độ chuyên môn về pháp luật của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, phần lớn là kiêm nhiệm, cho nên không tránh khỏi lúng túng trong triển khai. Thực tế cho thấy, đội ngũ làm công tác văn bản tại các sở, ngành còn thiếu, kiêm nhiệm và luôn thay đổi. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp cũng kiêm nhiệm nhiều, cho nên chưa thật sự phát huy hiệu quả công tác. Kết quả của các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố khi kiểm tra 1.422 văn bản tại 23 quận, huyện, thị xã đã phát hiện 116 văn bản có sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay các địa phương cần tháo gỡ đó là nhiều nội dung luật không giao hoặc chưa giao cho chính quyền cấp huyện, xã, nhưng thực tế hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn cần thiết phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt dẫn chứng, trên địa bàn huyện có những vi phạm về quản lý đất đai, nhưng huyện chưa ban hành được văn bản, vì không rõ huyện có được ban hành văn bản liên quan đến nội dung này hay chỉ thực hiện theo các quy định của Luật Đất đai và thành phố. Nếu ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trái thẩm quyền do chưa được luật giao, còn nếu ban hành văn bản áp dụng pháp luật thì không phù hợp... Chính vì vậy, để tăng tính chủ động, sáng tạo trong điều kiện đặc thù của từng địa phương, tại đợt giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nhiều ý kiến kiến nghị, nên nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp huyện, xã theo hướng mở hơn, không chỉ trong giới hạn những vấn đề được luật giao.

Bên cạnh các kiến nghị sửa đổi một số nội dung của luật cho phù hợp với thực tế, TP Hà Nội cần sớm kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, đủ về số lượng, có chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ. Về lâu dài, cần xây dựng cơ chế để thu hút các chuyên gia, cán bộ công chức giỏi, am hiểu lĩnh vực tham gia góp ý, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Cần thường xuyên rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật, công khai danh mục các văn bản trên cổng thông tin điện tử theo đúng quy định để người dân biết, thực hiện. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ về ban hành văn bản, kỹ năng xây dựng, phân tích chính sách, trong đó cần chú trọng đánh giá tác động của chính sách trên địa bàn để có hướng điều chỉnh kịp thời, đưa các quy định của luật gắn với thực tiễn cuộc sống.