Mỹ Ðức nỗ lực đạt mục tiêu huyện nông thôn mới

Trong khi nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, thì huyện Mỹ Ðức vẫn còn bốn xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Do những hạn chế về nguồn lực đầu tư, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Ðức còn nhiều khó khăn, chủ yếu là các tiêu chí về hạ tầng, đòi hỏi huyện phải nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2022.

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tuyến đường liên xã Tuy Lai (huyện Mỹ Ðức) được mở rộng, khang trang. Ảnh: Kim Nhuệ
Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tuyến đường liên xã Tuy Lai (huyện Mỹ Ðức) được mở rộng, khang trang. Ảnh: Kim Nhuệ

Còn nhiều khó khăn

Năm 2012, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn của xã Mỹ Thành mới đếm được trên đầu ngón tay, bởi hạ tầng còn khó khăn, nguồn lực hạn chế. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ðảng ủy xã ban hành nghị quyết về việc lãnh đạo xây dựng nông thôn mới, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân liên quan. Ðồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung, cũng như quyền lợi của nhiệm vụ này để cùng tham gia. Nhờ đó, người dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tham gia cải tạo, đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và cơ sở vật chất văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 15,7 triệu đồng/người/năm; năm 2019 đạt 45,3 triệu đồng/người/năm, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2020.

Cũng trong dịp này, sau nhiều năm nỗ lực, xã Hùng Tiến cũng đã về đích nông thôn mới. Ðể được kết quả này, xã đã làm tốt việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt 187 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp và xã hội hóa 15 tỷ đồng để tập trung xây dựng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, xây dựng các công trình phúc lợi. Ðến nay, 100% đường trục xã, đường giao thông thôn xóm và trục chính nội đồng đã được bê-tông hóa, bảo đảm việc đi lại và giao thương của người dân. Về phát triển kinh tế, người dân trong xã phát triển nghề đan mây, giang, cỏ tế, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương. Hệ thống chính trị từ xã đến các thôn được tăng cường và củng cố vững chắc; vai trò của cấp ủy, chính quyền được nâng cao, an ninh thôn xóm được giữ vững, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Việc hai xã còn nhiều khó khăn là Mỹ Thành và Hùng Tiến được công nhận nông thôn mới là minh chứng cho quyết tâm, nỗ lực của huyện Mỹ Ðức trong nhiệm kỳ vừa qua.

Cần quyết tâm cao hơn

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Ðức Ðặng Văn Triều cho biết, cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, vùng nuôi trồng thủy sản... Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện năm 2020 đạt 160 triệu đồng/ha, tăng 42 triệu đồng so với năm 2015, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, dịch vụ, thương mại... Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân Mỹ Ðức năm 2020 đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng 2,36 lần so với năm 2015, vượt 10 triệu đồng so với chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,19%, giảm 7,5% so với năm 2015.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Ðức tập trung kiểm tra, rà soát tiêu chí nông thôn mới tại các xã, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bố trí vốn từ các nguồn lực của thành phố, huyện, xã và của nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, trong 5 năm qua, huyện huy động được gần 2.930 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới, cao hơn giai đoạn 2010 - 2015 gần 1.045 tỷ đồng. Tính đến năm 2020, toàn huyện có 17 xã "về đích" chương trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra, giúp cho diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ðại hội Ðảng bộ huyện Mỹ Ðức lần thứ 24 xác định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 45,4%, công nghiệp - xây dựng chiếm 34,1%, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 20,5%. Giá trị sản xuất trên một héc-ta canh tác đạt từ 160 triệu đến 200 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 60 triệu đồng/người/năm trở lên. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ 15% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 24, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ nhấn mạnh, Mỹ Ðức phải xác định hai lĩnh vực trọng yếu của địa phương là nông nghiệp và du lịch, trong đó, nông nghiệp là nền tảng, du lịch là mũi nhọn. Cụ thể là tập trung tái cơ cấu lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo hướng ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo dựng thương hiệu phục vụ trực tiếp những sản phẩm thế mạnh của huyện, như gia súc, gia cầm, thủy sản, lúa chất lượng cao… cho khu vực nội thành và tỉnh lân cận. Ðổi mới tư duy trong quản lý và phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Ðồng chí chỉ đạo, huyện phải tập trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở bốn xã còn lại, trong đó xã Ðồng Tâm trở thành xã nông thôn mới trong năm 2020; phấn đấu đến năm 2022, trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn một năm so với mục tiêu huyện đề ra. Muốn vậy, Ðảng bộ huyện cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực, từng khu vực, tập trung khai thác mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội, để tạo thành lực đẩy cho địa phương phát triển hiệu quả hơn.