Mưu sinh dưới trời nắng nóng

Mới đầu hè nhưng người Hà Nội đã phải chịu đựng nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Việc mưu sinh của người lao động càng thêm khắc nghiệt.

Người lao động vất vả khi làm việc dưới trời nắng nóng.
Người lao động vất vả khi làm việc dưới trời nắng nóng.

7 giờ sáng một ngày đầu tháng 5, nắng xuyên qua cửa sổ, rọi vào căn phòng chỉ rộng hơn 15 m2 của anh Nguyễn Văn Thành, 35 tuổi, làm nghề giao nước tinh khiết ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. “Ngồi trong nhà còn ngột ngạt thế này, ra đường chỉ có nước bỏng da”, anh nói, tay lôi chiếc áo chống nắng từ trong tủ áo ra khoác vào người. Anh vừa nhận được một đơn hàng chở nước đến một căn hộ gần cửa hàng mình làm. Phải thường xuyên làm việc ngoài trời, cho nên Thành không mấy bận tâm đến việc giữ da như các chị em phụ nữ. Nhưng những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội lên đến 35 - 37oC, phải đi lại nhiều dưới trời nắng khiến cánh tay và mặt anh bị bỏng rát. Từ 7 giờ 15 phút đến 14 giờ là ca làm việc của Thành. Thời tiết nóng bức, nhu cầu dùng nước của khách hàng tăng vọt, anh phải căng mình làm việc. Có lúc, có vài ba khách hàng cùng một tòa nhà gọi mua nước, mỗi khách yêu cầu giao luôn ba, bốn bình. Thành gồng mình, chở hàng chục bình nước đi giao cho khách. Càng về trưa, nắng càng gắt. Bước chân anh nặng trịch, mồ hôi túa ra như tắm. “Các tòa nhà lớn có thang máy còn đỡ vất vả. Nhiều khu trọ cao năm, sáu tầng chỉ có thang bộ, vác mười thùng nước lên đến nơi là ngồi thở dốc”, Thành kể. Để sức khỏe ổn định trong những ngày nắng nóng, anh uống nhiều nước hơn. Vợ Thành cũng mới mua cho chồng chiếc mũ rộng vành và một chiếc áo chống nắng.

Mặt trời đứng bóng cũng là lúc anh Đinh Đức Thủy, 41 tuổi, cùng hàng trăm đồng nghiệp làm nghề shipper (giao hàng) bắt đầu công việc giao đồ ăn, thức uống cho khách. Địa bàn hoạt động của Thủy bốn năm nay chỉ ở khu vực quận Đống Đa - nơi anh thuê trọ. Thủy hay đứng xếp hàng trước cửa các quán trà sữa, chè, quán ăn trưa nhận hàng. Nắng rát mặt, anh kéo tấm kính chắn trên mũ bảo hiểm xuống sâu hơn. Chạy xe khoảng 2 km, anh dừng trước cửa nhà khách cần giao. Cầm túi chè kèm túi đá lên để giao cho khách, bất chợt Thủy lo lắng vì túi đá đã tan thành nước. “Tôi xin lỗi, đi đường nóng quá nên đá chảy mất”, anh ngượng nghịu, chỉ sợ khách không nhận hàng. Cô gái nhận cốc chè bật cười, rồi nói: “Nhà em cũng có đá, không sao”. Sau chuyến giao hàng đó, Thủy về tự sắm một thùng xốp nhỏ buộc sau xe. “Mình để chè hay trà sữa vào thùng xốp để khi giao hàng khách không phàn nàn. Có người dễ tính, nhưng cũng có người không chịu nhận hàng”, anh nói. Có thùng xốp, Thủy cũng đặt thêm một chai nước lọc mát vào trong thùng, để lúc khát, anh được tiếp nước ngay.

Không phải làm việc ngoài trời, nhưng phải vượt quãng đường gần 30 km từ nhà ở quận Long Biên sang văn phòng ở quận Nam Từ Liêm vào những ngày nắng nóng, lại phải chịu cảnh tắc đường, với chị Lưu Thị Hồng, 27 tuổi không hề đơn giản. Sáng thứ bảy ngày 9-5, Hồng gần như lả đi khi phải mất tới 30 phút để di chuyển trên một đoạn đường chưa đầy 1 km. Bụi trên đường cộng với khói từ ô-tô, xe máy, khiến không khí càng oi bức, ngột ngạt. “Những hôm tới, tôi sẽ đến công ty sớm hơn và về muộn hơn để tránh nắng và không lo tắc đường”, Hồng nói và cho biết đã trang bị thêm bao tay, kem, váy chống nắng để duy trì được sức khỏe trong mùa hè này.

Để đối phó với đợt nắng nóng đỉnh điểm, người dân Hà Nội, nhất là những người lao động ngoài trời đã có những giải pháp riêng cho mình. Đồ chống nóng, nước uống giải nhiệt là những thứ không thể thiếu với tất cả mọi người. Tại các chợ, siêu thị, cửa hàng quần áo thời trang, mặt hàng áo chống nắng, mũ, bao tay bán rất chạy. Những quán giải khát sau gần một tháng đóng cửa vì dịch Covid-19 cũng đã mở cửa trở lại, đáp ứng nhu cầu của người dân trong những ngày nắng nóng.