Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây

Mở rộng ra khu vực ngoại thành

Sau một năm triển khai, Ðề án Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội (12 quận) đã góp phần hình thành thói quen mua bán văn minh cho cả người bán và người mua. Thành phố đặt mục tiêu mở rộng phạm vi triển khai ra các huyện để đông đảo người dân được tiếp cận nguồn hoa quả an toàn, bảo đảm chất lượng.

Người tiêu dùng mua trái cây tại một cửa hàng được gắn biển nhận diện bảo đảm an toàn thực phẩm ở Hà Nội.
Người tiêu dùng mua trái cây tại một cửa hàng được gắn biển nhận diện bảo đảm an toàn thực phẩm ở Hà Nội.

Trước đây, hoạt động kinh doanh mặt hàng trái cây trên địa bàn Hà Nội bị thả nổi. Người tiêu dùng thiếu các điểm bán hàng uy tín, bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc trái cây không được kiểm soát. Trước thực trạng này, cuối năm 2017, thành phố đã triển khai Ðề án Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội. Sau một năm, đến nay trên địa bàn 12 quận nội thành có 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các điều kiện của Ðề án, đã được UBND các quận thực hiện cấp biển nhận diện. Trong đó có 134 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 632 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp gồm có trái cây. Từ chỗ chỉ có 30% số cửa hàng có đăng ký kinh doanh đã tăng lên 100% số cửa hàng thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý.

Hơn 3.000 người lao động quản lý, bán hàng đã thực hiện khám sức khỏe theo quy định, bảo đảm kiến thức về an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Hầu hết các cửa hàng đều trang bị thiết bị bảo quản trái cây, có quầy, kệ trưng bày trái cây, thiết bị vệ sinh cơ sở, giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây...

Một số tiêu chí khác trước khi thực hiện Ðề án chỉ đạt khoảng 40% đến 60% thì nay đã tăng cao. Thí dụ, hiện nay, 93,6% cửa hàng có thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 95,7% cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây; 79% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây...

Ðại diện các doanh nghiệp, cửa hàng đánh giá, việc gắn biển nhận diện đã mang lại hiệu quả kinh doanh khá tích cực. Theo Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Big Green Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng: Trước kia, khách mua thường băn khoăn về nguồn gốc trái cây, nhưng từ khi cửa hàng được cấp biển nhận diện, người tiêu dùng đã yên tâm hơn khi mua hàng. Bởi để được cấp biển, doanh nghiệp đã phải nỗ lực đáp ứng tốt các điều kiện, quy định của cơ quan quản lý về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Doanh thu của các cửa hàng này cũng tăng từ 20% đến 50% so với trước. Ðại diện Công ty CP V-food Việt Nam cũng khẳng định, từ khi tham gia Ðề án, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng lên rõ rệt. Nhiều khách hàng tìm đến cửa hàng để mua sản phẩm thay cho thói quen mua tại các xe đẩy, hàng rong trước đây.

Chia sẻ về quá trình triển khai Ðề án nêu trên, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, Sở đã gặp nhiều khó khăn khi một số hộ kinh doanh ngại thực hiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh và an toàn thực phẩm. Nguồn hàng cung cấp trái cây vào thành phố hình thành qua nhiều kênh, trong khi lực lượng kiểm tra lại mỏng, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số người tiêu dùng giữ thói quen mua sắm tại những cửa hàng trái cây không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có trang thiết bị bảo quản, chất lượng không bảo đảm...

Ðể khắc phục, Sở Công thương đã phối hợp các sở, ngành liên quan, nhất là chính quyền các địa phương trong công tác hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, chuỗi cửa hàng thực phẩm gặp gỡ, ký kết khoảng 480 biên bản ghi nhớ về khai thác sản phẩm trái cây của các tỉnh, thành phố vào thị trường Hà Nội. Tích cực tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người kinh doanh trái cây thực hiện tốt các tiêu chí, quy định, điều kiện để cấp biển nhận diện.

Song song với việc quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, Ðề án cũng thí điểm tổ chức các tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Ðến nay, trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được 33 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, phấn đấu hết năm 2018 không còn tình trạng kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến phố còn lại của 12 quận.

Thực tế cho thấy, sau khi thực hiện Ðề án, ý thức, cách thức bảo quản, kinh doanh trái cây của các đơn vị đã được nâng cao. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nếu cấp biển nhận diện rồi mà không tiếp tục giám sát thì vi phạm có thể tiếp tục xảy ra. Cửa hàng nào vi phạm tới hai, ba lần thì phải công khai danh tính. Thành phố sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai ra các huyện, trước mắt là tại các thị tứ, thị trấn và khu công nghiệp, tạo cơ hội có thêm nhiều người tiêu dùng được tiếp cận nguồn hoa quả, thực phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng.