Minh bạch để phòng, chống tham nhũng

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các cơ chế phòng ngừa từ đội ngũ cán bộ, công chức là những giải pháp đang được các cấp, các ngành của TP Hà Nội thực hiện hiệu quả thời gian qua, để phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kiểm tra bộ phận một cửa tại phường Bưởi, quận Tây Hồ. Ảnh: NGUYỄN VĂN
Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kiểm tra bộ phận một cửa tại phường Bưởi, quận Tây Hồ. Ảnh: NGUYỄN VĂN

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, Huyện ủy đã thành lập tổ công tác để thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các đơn vị, địa phương. Ở khối chính quyền, UBND huyện tăng cường việc công khai, minh bạch các nội dung có nhiều khả năng xảy ra tham nhũng, như chủ trương đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư tại cộng đồng. Người đứng đầu cấp ủy thường xuyên đối thoại, tiếp công dân, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân.

Để đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, quận Tây Hồ đã tăng cường công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, chế độ; công khai công tác cán bộ, nhất là trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng. Đồng thời, mọi hoạt động quản lý hành chính, nhất là trong công tác thực hiện đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng được công khai, cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, cải cách hành chính… đã tạo điều kiện cho người dân giám sát, phòng ngừa các vi phạm. Quận cũng tiến hành các đoàn kiểm tra đột xuất về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng…, kịp thời phát hiện một số sai phạm, sơ hở trong quản lý để chấn chỉnh ngay.

Trong khi đó, Công an TP Hà Nội đã đa dạng hóa các hình thức, biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lấy phòng ngừa trong nội bộ là chính, đồng thời quan tâm, chú trọng nâng cao hiệu quả, các biện pháp phát hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng lực lượng Công an Thủ đô trong sạch, vững mạnh.

Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy, bằng nhiều giải pháp cụ thể, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan hành chính thành phố triển khai 274 cuộc thanh tra, đã kết luận 150 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm hơn 53 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 38 tập thể, 55 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm. Các cơ quan hành chính thành phố tiếp 25.967 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trong đó, tiếp 254 lượt đoàn đông người; tiếp nhận, xử lý 30.951 đơn các loại; thụ lý theo thẩm quyền 2.235 vụ khiếu nại, 661 vụ tố cáo; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 30 tập thể, 23 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hai vụ. Cơ quan công an cũng đã phát hiện, xử lý 2.619 vụ với 2.718 đối tượng vi phạm trật tự quản lý kinh tế, trong đó khởi tố 222 vụ và 292 bị can; thu nộp cho ngân sách 926 tỷ đồng.

Để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội còn xây dựng chuyên đề “Công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó, nêu rõ thực trạng trong từng lĩnh vực như giải quyết thủ tục hành chính, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuế, hải quan và cả trong công tác thanh tra, kiểm tra, hoạt động tư pháp; đồng thời đưa ra một số giải pháp cụ thể như tăng cường công tác cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ và xây dựng cơ chế giám sát, phòng ngừa của các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan báo chí.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, giám sát tại một số cơ quan, đơn vị về công tác này, vừa qua Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của Đảng và luật pháp của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí cán bộ để tăng cường củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các đơn vị trọng yếu bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác kê khai tài sản, thu nhập cá nhân; minh bạch hóa các nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quy trình thủ tục giải quyết công việc để người dân giám sát, thực hiện.

Tiếp tục thực hiện các quy định về công khai, minh bạch; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế độ chính sách, tiêu chuẩn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Thực hiện phân cấp gắn liền phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng.

Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử; đưa ra lộ trình cụ thể để triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 trở lên; tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại (như lắp đặt ca-mê-ra giám sát, đặt hòm thư góp ý, lịch tiếp công dân, thông tin công khai đường dây nóng, số điện thoại lãnh đạo cơ quan tại các trụ sở cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công) để tăng tính minh bạch, giúp công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả cao hơn.