Mạch nguồn cho di sản

Hà Nội vừa công bố danh sách nghệ nhân được đề nghị công nhận là Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Số lượng 25 NNND, 85 NNƯT được đề nghị công nhận đợt này khiến nhiều người phải bất ngờ, vì đây là số lượng nghệ nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu lớn nhất từ trước đến nay. Có được điều này là kết quả từ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp căn cơ trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành hướng dẫn các em nhỏ nặn tò he.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành hướng dẫn các em nhỏ nặn tò he.

Cuộc sống hiện đại khiến trẻ em ngày nay ham mê các trò chơi điện tử và nhiều loại đồ chơi khác nhau. Đồ chơi dân gian từng có những thời gian lép vế, thậm chí gần như biến mất khỏi cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn có những loại đồ chơi... tồn tại được trong sự cạnh tranh gay gắt đó. Điển hình là con giống tò he. Tò he vốn là những con vật, nhân vật trong truyện, hoa lá... được nghệ nhân thôn Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) dùng bột, nhuộm mầu và khéo léo nặn thành. Chỉ vài phút, người thợ đã hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật tí hon. Mặc dầu vậy, cũng có thời gian tò he đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng trong đợt này, có đến 18 nghệ nhân nặn tò he xuất hiện trong danh sách đề cử công nhận NNND, NNƯT. Những yêu cầu bắt buộc và cũng là tiêu chí khó của việc công nhận NNND, NNƯT là phải có thời gian thực hành kéo dài, có truyền nghề, nhưng các nghệ nhân đều đáp ứng được. Phó Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Hương Thủy cho biết: “Việc hỗ trợ tài chính cho các nghệ nhân giữ gìn di sản là điều rất khó thực hiện. Trong bối cảnh ấy, thành phố có cách làm riêng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, tổ chức không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn, không gian bích họa phố Phùng Hưng... Tại các sự kiện, các không gian văn hóa đó, chúng tôi luôn tạo điều kiện để các nghệ nhân dân gian được trình diễn với công chúng. Điều đó đem lại hai tác dụng. Thứ nhất, công chúng có thêm hiểu biết về di sản, tạo điều kiện để di sản được bảo tồn. Thứ hai, nghệ nhân có thêm động lực trong bảo tồn, gìn giữ. Loại hình di sản tò he cũng vậy. Tò he xuất hiện ở nhiều sự kiện, khiến người lớn và trẻ em đều quan tâm, nghệ nhân có thể sống được bằng sản phẩm của mình và nhờ đó nghề nặn tò he phát triển trở lại”.

Nếu các địa phương khác thường có một vài di sản văn hóa phi vật thể điển hình, việc huy động nguồn lực để bảo tồn thường thuận lợi hơn, thì Hà Nội hiện có tới 1.783 di sản văn hóa phi vật thể, nếu chú trọng đầu tư, hỗ trợ nghệ nhân lĩnh vực này thì dễ “bỏ trống” lĩnh vực khác. Bởi vậy, Hà Nội chọn ưu tiên những di sản mang tính đặc trưng, di sản có nguy cơ mai một và di sản mà người dân có nhiệt huyết giữ gìn. Việc nuôi dưỡng tình yêu di sản trong bối cảnh tài chính như “một chiếc chăn hẹp” được các nghệ nhân đánh giá rất cao. Nghệ nhân diều sáo Nguyễn Hữu Kiêm cho biết: “Hơn 10 năm trước, hầu như không mấy ai biết đến nghệ thuật diều sáo, cách làm diều truyền thống. Nhưng những năm gần đây, các dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Rằm Trung thu và nhiều dịp khác, tôi được các cơ quan mời đến giới thiệu về nghệ thuật chơi diều. Bây giờ nhiều thanh niên thành phố cũng học cách chơi diều truyền thống. Họ làm diều rồi ra ngoại thành thả. Ở các sự kiện văn hóa này cũng thường tổ chức hát xẩm, ca trù, chầu văn... Các nghệ nhân có điều kiện biểu diễn, được xã hội thừa nhận là động lực để chúng tôi bảo tồn khi chưa có hỗ trợ kinh phí”.

Một số địa phương có di sản gặp khó khăn, nghệ nhân khó được công nhận vì thiếu các tiêu chí. Ngành văn hóa cùng các địa phương hỗ trợ điều kiện vật chất như loa đài, dụng cụ biểu diễn; hỗ trợ tổ chức các lớp học... Điển hình trong số này phải kể đến nghệ thuật trống quân ở Phúc Thọ (huyện Thường Tín), hay ca trù ở Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên), Lỗ Khê (huyện Đông Anh) hay múa Ải Lao (quận Long Biên)... Hát trống quân từng có thời gian thuộc diện “nguy cơ thất truyền cao”, nhưng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) triển khai Dự án Nghiên cứu bảo vệ nghệ thuật trình diễn hát trống quân ở các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín. Dự án triển khai khảo sát lại các điệu hát, tư liệu hóa, tiếp đó, hỗ trợ mở lớp truyền dạy. Từ chỗ không có người hát, hiện đã có một số nghệ nhân đủ tiêu chuẩn để trở thành NNƯT, nhiều hoạt động của hát trống quân được khôi phục. Riêng với ca trù, hiện Hà Nội có tới 14 giáo phường, câu lạc bộ với hàng trăm nghệ nhân. Ở tất cả các liên hoan nghệ thuật ca trù, Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc. Trong đợt đề cử Nhà nước công nhận danh hiệu lần này, Hà Nội đề cử 12 người được công nhận NNND, 11 người được công nhận NNƯT. 

Mặc dù vậy, việc hỗ trợ các nghệ nhân bảo tồn di sản vẫn còn nhiều khó khăn. NNƯT Nguyễn Văn Thành, người nổi tiếng trong “làng” tò he chia sẻ: “Tò he là nghề mang lại thu nhập, song thu nhập từ nghề này không đáng bao nhiêu. Các nghệ nhân cần có thêm sự hỗ trợ để làm tốt công tác bảo tồn”. Hiện nay, các nghệ nhân trên địa bàn vẫn chỉ được hỗ trợ kinh phí một lần khi được trao tặng danh hiệu. Trong khi đó, nhiều nghệ nhân cao tuổi, đau yếu, kinh tế khó khăn. Nhiều địa phương do thiếu kinh phí nên lực bất tòng tâm trong việc tổ chức các lớp truyền dạy di sản. Giáo sư Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, tình yêu, trách nhiệm của các nghệ nhân chính là mạch nguồn mang lại sức sống cho di sản. Ông cho rằng bên cạnh vinh danh, Nhà nước cần sớm xây dựng chế độ đãi ngộ để nghệ nhân có điều kiện tốt hơn bảo tồn, phát huy giá trị di sản.