Lời tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ

Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ , Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã triển lãm, trưng bày 250 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về quá trình đấu tranh, về những hy sinh xương máu của cha anh và nỗ lực đền ơn, đáp nghĩa của xã hội. Triển lãm là dịp để thế hệ trẻ hiểu rằng, nền độc lập, tự do hôm nay được đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ cha anh; để từ đó ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước.

Khách tham quan xúc động trước những câu chuyện, hình ảnh trong triển lãm.
Khách tham quan xúc động trước những câu chuyện, hình ảnh trong triển lãm.

Buổi khai mạc triển lãm "Lời tri ân" diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm), có một vị khách đặc biệt từ nước Mỹ. Ðó là ông Thô-mát E.Uyn-bơ, con trai của Thiếu tá phi công Oan-tơ E.Uyn-bơ - người lái máy bay ném bom miền bắc Việt Nam đã bị bắt và giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò cách đây 50 năm. Trong những ngày bị giam cầm tại "Hilton Hà Nội", Thiếu tá Oan-tơ E.Uyn-bơ đã hiểu về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Trở về nước sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, viên phi công ấy đã có nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam và truyền tình yêu Việt Nam cho những người con của mình. Lý do mà Thô-mát E. Uyn-bơ hiện diện ở khai mạc triển lãm "Lời tri ân" còn đặc biệt hơn. Ông cùng mọi người tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến. Ông nhấn mạnh rằng, khi hưởng trái ngọt mát lành của hòa bình, mọi người không nên quên những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập. Thô-mát E. Uyn-bơ đã đến Việt Nam 24 lần. Dịp này, ông tặng "Quỹ tri ân các cựu tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò" 20 triệu đồng để giúp đỡ những gia đình cựu tù Hoả Lò còn gặp khó khăn.

Trong hai phần trưng bày "Trọn một lời thề" và "Lời tri ân", tổ hợp trưng bày "Lời tri ân" được thiết kế như một bông hoa đang khoe sắc. Ban Tổ chức đã chọn thiết kế này để gửi gắm ý nghĩa: Sự hy sinh của bao chiến sĩ đã cho đất nước được trường tồn, nở hoa. Mỗi "cánh hoa" là một câu chuyện về sự hy sinh, về những hoạt động ghi nhớ công ơn những Anh hùng, liệt sĩ, thương binh. Những hình ảnh xanh thẫm của đại ngàn ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, mầu xanh mênh mông của biển cả tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, hay mầu trắng bạt ngàn của các ngôi mộ không tên ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Ðường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Nghĩa trang Ðiện Biên Phủ… khiến lòng người lắng lại. Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm nhưng vẫn còn những người mẹ tìm con, vợ tìm đợi chồng, anh tìm em, con ngóng tìm hài cốt cha. Trưng bày cũng giới thiệu chủ trương đền ơn, đáp nghĩa của Ðảng, Nhà nước được các cấp, các ngành triển khai với nhiều hình thức phong phú sinh động. Ðó là nỗ lực không biết mệt mỏi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quy tập hài cốt liệt sĩ, tìm lại tên cho người đã khuất. Ðó cũng là những hình ảnh về tuổi trẻ biến những tượng đài, những nghĩa trang thành những bài học cách mạng. Ở phần trưng bày này, Ban tổ chức cũng giới thiệu những nghĩa cử cao đẹp của những người tình nguyện đi tìm một liệt sĩ. Ðó là ông Lê Văn Cam đã dành 20 năm đi tìm hài cốt của đồng đội, hay ông Trần Ngọc Doanh với hàng trăm chuyến hành trình ngược xuôi tìm đồng đội...

Phần trưng bày "Trọn một lời thề" giới thiệu một "trận tuyến đặc biệt" của người chiến sĩ cách mạng, đó là ngục tù của thực dân, đế quốc. Những nhà tù khét tiếng như: Sơn La, Khám Lớn Sài Gòn, Côn Ðảo, Phú Quốc, Nhà lao Tân Hiệp, Khám Chí Hòa… là nơi đày đọa và cướp đi sinh mạng của biết bao chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Song vượt lên trên tất cả là khát khao tự do cháy bỏng của mỗi chiến sĩ, tự do để trở về tiếp tục đấu tranh vì độc lập dân tộc. Trưng bày giới thiệu chi tiết cuộc vượt ngục tập thể tại Bến Ðầm, Côn Ðảo năm 1952. Trong lao động khổ sai, các tù nhân ngày đêm bí mật đào hầm, đóng thuyền gỗ vượt ngục. Tiếc rằng, gió to, sóng dữ đã đánh chìm những chiếc thuyền gỗ do tù nhân tự tạo. Ðể giảm tải trọng, nhiều chiến sĩ đã tự nguyện nhảy xuống biển. Cuộc vượt ngục bất thành, 117 chiến sĩ bị địch bắt lại, 81 chiến sĩ hy sinh trên biển, nhưng đó là biểu tượng của tinh thần bất khuất của người lính cách mạng.

Những ngày tháng 7 này, nhiều trường học, cơ quan, đơn vị quân đội… đã tổ chức đoàn đến tham quan triển lãm "Lời tri ân". 250 tư liệu, hiện vật, hình ảnh giúp khách tham quan hiểu hơn về sự hy sinh lớn lao của những người con yêu nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc; hiểu để trân trọng, tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: Hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng tuổi xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước.