Lo ngại an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Khi lễ hội vào mùa cao điểm, các dịch vụ ăn uống nở rộ để phục vụ nhu cầu của du khách. Các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng từ đầu mùa lễ hội đến nay đã phát hiện nhiều hạn chế trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ này.

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống khu vực lễ hội chùa Hương. Ảnh: VÂN HÀ
Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống khu vực lễ hội chùa Hương. Ảnh: VÂN HÀ

Tại lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, Hà Nội), Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Ðức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương Nguyễn Văn Hậu cho biết, năm nay tại đây có 145 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn các kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) cho tất cả hộ kinh doanh, cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe cho những người trực tiếp tham gia chế biến. Các tổ thanh tra, kiểm tra được thành lập. Ðoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hà Nội do Sở Y tế Hà Nội chủ trì phát hiện nhiều cửa hàng mất vệ sinh. Có ba cửa hàng được kiểm tra vẫn bày bán thực phẩm tươi sống “lộ thiên”, lẫn với thực phẩm chín ngay trước cửa quán, không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng. Qua xét nghiệm nhanh, phát hiện hai quán hàng có nhiều bát đĩa rửa không sạch… Nhà hàng Quyết Thắng (số 1 Thiên Trù), dù đã được cấp chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP, nhưng theo chủ nhà hàng, do lượng khách đông cho nên công tác bảo đảm ATTP không tránh khỏi… sơ suất! Tương tự, qua xét nghiệm nhanh tại nhà hàng Ngoan Tiến (ở Bến Yến) phát hiện ba mẫu bát không bảo đảm vệ sinh. Còn tại nhà hàng cơm phở Tinh Hồng (ở Thiên Trù), vì không bố trí thùng đựng rác, cho nên thực khách vô tư xả thức ăn thừa, giấy ăn ngay xuống nền đất.

Tại lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) có hơn 100 cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố hoạt động, trong đó, mười cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước khi tổ chức lễ hội, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Sóc Sơn đã kiểm tra và yêu cầu các cơ sở ký cam kết bảo đảm ATTP. Trung tâm y tế huyện đã tổ chức phun hóa chất, vệ sinh môi trường chủ động phòng, chống dịch bệnh; thành lập và cử đội cấp cứu thường trực tại chỗ. Ngay trong ngày lễ hội, đoàn liên ngành đã trực tiếp kiểm tra hai cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại đây. Dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng nhìn chung, điều kiện vệ sinh của các cơ sở này đều chưa đáp ứng yêu cầu. ThS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Sóc Sơn cần vào cuộc quyết liệt hơn, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bảo đảm an toàn cho người dân và du khách. Ðoàn kiểm tra đã lấy mẫu hành tươi, bánh phở, chè thái, khoai tây chiên, gà chiên để xét nghiệm nhanh bằng xe chuyên dụng.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt thực phẩm lưu thông trên thị trường, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa vào Hà Nội. Huy động năm xe kiểm nghiệm ATTP lưu động hoạt động hết công suất phục vụ kiểm nghiệm thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết. Thành phố đã công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân tham gia lễ hội cùng giám sát an toàn thực phẩm. Khi phát hiện cơ sở vi phạm, người dân có thể thông tin theo các số điện thoại sau: Sở Công thương: 1900585826; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 0243 3800115; Sở Y tế: 0243 998 5765. Số điện thoại đường dây nóng của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): 0243.2321556, 0911.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong hai tháng qua, thành phố đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP của hơn 13.000 cơ sở, phát hiện hơn 2.800 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt hơn 1.400 cơ sở với số tiền gần 5,3 tỷ đồng.